Ngày 24/8, Văn phòng Tổng thống Kenya Willian Ruto thông báo, TikTok đã đồng ý kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng của mình tại quốc gia Đông Phi này.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc trao đổi với Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew, Văn phòng Tổng thống Kenya cho biết: “Nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok sẽ hợp tác với Kenya trong việc xem xét và giám sát nội dung. Điều này có nghĩa rằng những nội dung không phù hợp hoặc gây khó chịu sẽ bị xóa khỏi nền tảng“.
Trên mạng xã hội, Tổng thống Ruto cũng cho biết, ông Shou Zi Chew đã đồng ý thành lập văn phòng ở Kenya để điều phối hoạt động của TikTok tại châu Phi. Hiện chưa có thêm thông tin về thỏa thuận hoặc thời điểm văn phòng TikTok tại Kenya bắt đầu hoạt động.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ 10 ngày sau khi các nhà lập pháp Kenya nhận được đơn kiến nghị từ một công dân yêu cầu cấm TikTok do ứng dụng này chứa những nội dung phản cảm, thúc đẩy bạo lực và hận thù. Dự kiến, Quốc hội Kenya sẽ mở cuộc điều tra về việc sử dụng TikTok ở Kenya và đưa ra quyết định sau khoảng 2 tháng.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao trên toàn thế giới do những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. Nhờ các tính năng chỉnh sửa và thuật toán hỗ trợ AI, TikTok rất phổ biến, đặc biệt là với giới trẻ và hiện có hơn 1 tỷ người dùng.
Thành phố New York của Mỹ mới đây đã thông báo cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính quyền do các mối quan ngại về an ninh. Các cơ quan của thành phố này phải gỡ bỏ ứng dụng trong vòng 30 ngày. Hiện tại có hơn 150 triệu người Mỹ đang sử dụng TikTok.
Trong khi đó, Chính phủ Somalia ngày 20/8 đã tuyên bố cấm TikTok với lý do những đối tượng khủng bố sử dụng nền tảng này để truyền bá tư tưởng cực đoan.
Trong tháng này, TikTok đã công bố những thay đổi nhằm đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm việc cho phép người dùng châu Âu tắt tính năng “cá nhân hóa” – tính năng khuyến khích mọi người tiếp tục xem video bằng cách đề xuất nội dung dựa trên sở thích cá nhân của họ.
Đầu tháng 7, một ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp đã được thành lập nhằm xem xét cách thức xử lý dữ liệu và “chiến lược gây ảnh hưởng” của TikTok. Ủy ban này cũng hạn cho TikTok đến tháng 1/1/2024 phải làm rõ các vấn đề trên, nếu không sẽ cấm nền tảng này tại Pháp và có thể cả ở châu Âu. Các thượng nghị sĩ cũng ủng hộ ý tưởng chặn mạng xã hội trong thời điểm khủng hoảng và đề xuất TikTok buộc phải tăng cường kiểm duyệt trong trường hợp bạo lực bùng phát trong tương lai.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...