Đại diện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn nhận định rằng, Việt Nam có hai thế mạnh để tham gia vào ngành công nghiệp này, đó là khâu thiết kế và đóng gói.
Tại Hội thảo "Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho làn sóng đầu tư vi mạch tại Việt Nam" diễn ra mới đây, các chuyên gia và đại diện các đơn vị tham gia đã đóng góp những góc nhìn đa chiều, cũng như chia sẻ về lộ trình đào tạo và nhu cầu phát triển ngành công nghệ bán dẫn trước làn sóng đầu tư vi mạch Việt Nam mạnh mẽ.
Đại diện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn nhận định rằng, Việt Nam có hai thế mạnh để tham gia vào ngành công nghiệp này, đó là khâu thiết kế và đóng gói. Trong lĩnh vực thiết kế cần rất nhiều nhân lực để thu hút trực tiếp các doanh nghiệp FDI đang dịch chuyển vào Việt Nam. Khi ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển đến một ngưỡng nhất định, Việt Nam buộc phải đào tạo thêm nhiều nhân lực, kỹ sư chuyên nghiệp để định vị thế mạnh của quốc gia trong hệ sinh thái chuỗi giá trị bán dẫn.
"Để phát triển lĩnh vực này, các đơn vị đào tạo cần phát triển hệ sinh thái nhà trường và doanh nghiệp. Có thể nói, mối liên kết giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình cập nhật chương trình đào tạo mới, cũng như giúp sinh viên có cơ hội thực tập, thực hành thực tiễn để không bỡ ngỡ khi bắt đầu công việc", ông Nguyễn Phúc Vinh - Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh cho biết.
Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, cho rằng để tận dụng hoàn toàn tiềm năng mà Việt Nam đang có, chúng ta cần tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng để chuẩn bị đón đầu làn sóng đầu tư vi mạch mới tại Việt Nam, "là đơn vị Cao đẳng đầu tiên đào tạo chương trình học ngành công nghệ bán dẫn, BTEC FPT đã và đang nỗ lực đón đầu xu hướng hợp đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành học được coi là "xương sống" của kỷ nguyên công nghệ".
Để tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, các chuyên gia cho rằng: Nhà nước cần có chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, các đơn vị đào tạo bán dẫn cần đẩy mạnh tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn để giúp hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn cập nhật những công nghệ mới và xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế nhất.
Bên cạnh hội thảo trao đổi về giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với làn sóng đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn từ nước ngoài, sự kiện diễn ra lễ kết nạp BTEC FPT trở thành thành viên hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh. Hội được được thành lập từ năm 2013, là hiệp hội quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực bán dẫn và có khả năng kết nối giữa nhà nước với nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.
Không chỉ triển khai, thúc đẩy hợp tác chuyên sâu với các tập đoàn công nghệ và đơn vị đào tạo hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trong nước, BTEC FPT còn liên tục triển khai ký kết phát triển chương trình đào tạo; thực tập sinh với các đối tác thuộc các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất Chip bán dẫn trên thế giới, nhằm mở ra cơ hội làm việc và thực tập tại Hàn Quốc và mới đây nhất là Đài Loan (Trung Quốc).
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...