Trung Quốc vừa rót thêm 344 tỷ Nhân dân tệ (47,5 tỷ USD) để thúc đẩy nội địa hóa ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh các hạn chế nghiêm ngặt từ Mỹ.
Trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, Trung Quốc vừa rót thêm gói đầu tư thứ 3 - gói lớn nhất từ trước đến nay vào ngành công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu nhằm tăng cường tính tự chủ công nghệ. Một trong những lĩnh vực chính mà giai đoạn thứ ba của quỹ sẽ tập trung vào là thiết bị sản xuất chip. Các cổ phiếu chip lớn của Trung Quốc đã tăng vọt trong ngày 27/5, sau thông tin này.
Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia giai đoạn thứ ba đã huy động được 344 tỷ Nhân dân tệ (gần 47, 5 tỷ USD). Quỹ này thành lập ngày 24/5. Cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính Trung Quốc cùng các công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền các tỉnh thành Quảng Đông, Bắc Kinh.
Trung Quốc đầu tư hơn 47 tỷ USD cho ngành bán dẫn. Ảnh minh họa.
TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã hỗ trợ, góp phần giúp Huawei thoát các lệnh trừng phạt của Mỹ để phát triển công nghệ chip. Đến nay, nguồn quỹ đã cung cấp tài chính cho các hãng sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là SMIC, HK Corporation, Hua Hong Semiconductor, Yangtze Memory Technologies, nhà sản xuất bộ nhớ flash.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chi gần 81 tỷ USD để tạo ra thế hệ chất bán dẫn tiếp theo, khiến cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc thêm khốc liệt. Chất bán dẫn là một phần không thể thiếu của nền kinh tế hiện đại, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực.
Với việc Mỹ đang tìm cách loại các công ty Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng, không cho tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào việc phát triển các nhà sản xuất chip trong nước. 10 năm qua, Trung Quốc chi tiêu hàng đầu cho phát triển chip nội địa, cho nhà sản xuất chip nội địa SMIC.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...