Lê Chí Tài, 24 tuổi, du học sinh Trường Friedrich Alexander Universität (Đức) nói về cơ duyên ra đời của Electric Bird.
Sáng tạo của trí tuệ Việt - Đức
Tài chỉ cho chúng tôi hình ảnh chiếc máy bay nhiệt (hình thức khá giống flycam, nhưng lớn hơn) và những tập tài liệu phân tích các thông số mà máy bay nhiệt có thể đo được bằng tiếng Đức.
Với công nghệ “bay”, những kỹ sư trẻ giúp các nhà máy điện mặt trời hoạt động hiệu quả hơn, trong khi chi phí mỗi lần bay sẽ là cái giá rất VN, có thể chấp nhận được.
Tài nhấn mạnh: “Phương pháp bay kết hợp camera nhiệt ứng dụng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo lần đầu tiên được một doanh nghiệp VN làm chủ công nghệ từ khâu lấy dữ liệu, xử lý, phân tích đến lập báo cáo”.
|
Tài cho biết thêm, không phải cứ có camera nhiệt là có thể sử dụng được. Ở đây cần chất xám, sự sáng tạo rất lớn của đội ngũ kỹ sư giỏi từ việc đọc dữ liệu nhà máy điện mặt trời để lên phương án bay tự động, điều chỉnh góc quay tự động để cho ra thông số phù hợp với địa hình nhà máy. Start-up xử lý hình ảnh bằng công nghệ đọc AI (trí tuệ nhân tạo), phân tích hình ảnh chính xác, sau đó các chuyên gia tại Đức lập báo cáo bao gồm phân loại thiệt hại, xác định lỗi do nhà sản xuất, đơn vị thi công lắp đặt hay đơn giản lỗi phát sinh trong quá trình vận hành, sơ đồ mô tả vị trí các lỗi, đề xuất các hướng xử lý, đánh giá sản lượng thất thoát, đánh giá tổng quan. Hiện tại gần như chưa có đơn vị nào trong nước có chuyên gia được đào tạo bài bản, có khả năng lập được báo cáo này theo các tiêu chuẩn do Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế đề ra.
Theo Tài, máy bay nhiệt không chỉ được áp dụng hỗ trợ trong các nhà máy điện mặt trời, mà còn phát huy vai trò trong các nhà máy điện gió, kiểm tra các đường dây truyền tải. Tài là sáng lập chính, đồng thời đang là CEO (giám đốc điều hành) của dự án. Cộng sự của anh là các kỹ sư, chuyên gia về điện nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng, ngành phát triển rất mạnh tại Đức. Anh và các đồng nghiệp có 6 tháng để hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị sẵn sàng để start-up được vận hành, trụ sở văn phòng tại Q.1, TP.HCM.
Quyết tâm khởi nghiệp với “chim điện”
Lê Chí Tài quê ở TP.Vinh, Nghệ An, từng học tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân trước khi sang du học ngành toán kinh tế tại Đức, hiện giữ vai trò Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Đức. Năng nổ tham gia các hoạt động, phong trào kết nối các tài năng VN đang sinh sống, làm việc tại Đức giúp Tài có mối quan hệ rộng khắp, đặc biệt trong ngành năng lượng tái tạo. Đây cũng là lợi thế lớn của chàng trai trẻ khi quyết tâm khởi nghiệp với “chim điện”.
Khó khăn với một doanh nghiệp khởi nghiệp là tất nhiên, tuy nhiên theo Tài, dự án kiểm tra các nhà máy năng lượng tái tạo của anh và các cộng sự đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tổ chức trực thuộc Chính phủ Đức và VN, Bộ phận khoa học công nghệ Đại sứ quán VN tại Đức, T.Ư Đoàn cũng như Hội chuyên gia, thanh niên - sinh viên VN tại Đức: “Năng lượng tái tạo là xu hướng của thế giới, bởi sự xanh - phát triển bền vững, chúng tôi luôn mong muốn những người trẻ như mình sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa cho quê hương”.
Một trong những điều khiến Tài tự hào về dự án start-up của mình, đó là đang có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư hỗ trợ cho dự án là người Đức gốc Việt. “Có rất nhiều kỹ sư, chuyên gia với dòng máu Việt đang định cư tại Đức. Dù bận bịu với rất nhiều công việc riêng, nhưng khi được giới thiệu về một dự án khởi nghiệp làm cho VN, họ đã sẵn sàng gật đầu mà không quan tâm tới thù lao nhận được”, Tài chia sẻ.
Ý KIẾNCó ba việc ý nghĩa nhất đối với tôi ở câu chuyện khởi nghiệp của Tài. Trước tiên đó là tinh thần yêu nước, dù có đi đâu về đâu nhưng luôn hướng về quê hương. Thứ hai là tinh thần sáng tạo và bất chấp mọi khó khăn để vươn lên thành công. Điều cuối cùng, trong start-up của Tài có sự bền chặt trong mối quan hệ đối ngoại chiến lược giữa VN - và Đức. Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Cố vấn phát triển dự án giữa Tập đoàn Siemens và VN Bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo ở VN là điều tất yếu, ngành công nghiệp này cần quy tụ được nhiều chuyên gia có kinh nghiệm ở nước ngoài để hỗ trợ phát triển các dự án do người VN tự làm chủ. Tôi và Tài đã quen biết nhau từ lâu. Sau khi được Tài chia sẻ ý tưởng, tôi đã nỗ lực hỗ trợ Tài hiện thực hóa start-up này. Nguyễn Thanh Kim, Chuyên gia thiết kế và vận hành các nhà máy điện mặt trời tại Đức Máy bay không người lái (drones) kết hợp với sự phát triển của camera nhiệt, camera quan sát, bản đồ số, phân tích dữ liệu dựa trên AI và điện toán đám mây, ứng dụng có thể giúp tiết kiệm đến 30% chi phí bảo trì cho các nhà máy năng lượng tái tạo. Biết đến Tài qua các hoạt động của Hội Sinh viên VN tại Đức, tôi rất ấn tượng về tư duy mở, đam mê công nghệ của Tài. Philippe Quynh Nguyen, Giám đốc quản lý sản phẩm số, Siemens Industries, Erlangen, Đức |