Những nhân vật của "Cất cánh" tháng 3 đã có những kiến tạo độc bản riêng, nhưng dấu ấn quan trọng trong đó là sự gắn bó máu thịt với văn hóa nguồn cội của dân tộc.
Trong thế giới hiện đại, khi công nghệ phát triển liên tục, cuộc sống có nhiều đổi thay, con người được tạo điều kiện để học tập, nghiên cứu, thể hiện cá tính của bản thân. Và để có "chỗ đứng" riêng, có dấu ấn khác biệt mỗi người phải tự nỗ lực vươn lên, tự tìm ra những bản sắc riêng của bản thân với những con đường độc đáo. Quá trình ấy được gọi là "kiến tạo độc bản".
Cất cánh tháng 3 đã mang tới cho khán giả những câu chuyện của những con người trong hành trình khẳng định chính mình, "kiến tạo độc bản" đẹp đẽ bằng nỗ lực tự thân, sự gắn bó máu thịt với văn hóa, với nguồn cội cùng sự tự hào mang tên Việt Nam, đang và sẽ cống hiến để xây dựng quê hương, để khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mở đầu chương trình là câu chuyện của một cô gái dám đam mê, dám theo đuổi ước mơ của mình. Lên tận non cao, thoắt xuống đồng bằng, đi mây về gió, ăn ngủ với dó… Hành trình 10 năm bền bỉ củachị Trần Hồng Nhungvà Zó Project đã từng chút, từng chút tô điểm cho giấy dó những sắc màu mới, làm cho giấy dó có một đời sống mới, mở ra những hướng phát triển mới cho các làng nghề giấy truyền thống Việt Nam.
Ban đầu, nhiều người rất nghi ngại với việc sản xuất giấy dó. Chị Hồng Nhung cũng phải tự nghĩ ra nhiều sản phẩm làm từ giấy dó để thích nghi với thời hiện đại và thu hút giới trẻ. Và hơn 1 thập kỷ đưa giấy dó từ truyền thống đến đương đại, để mỗi tờ giấy dó từ Zó Project là độc bản bởi nó hoàn toàn làm bằng thủ công, và là những phiên bản không giống nhau.
"Lúc khởi nghiệp, nhiều người hỏi sao tôi lại bắt đầu từ một ngành nghề đang mất đi, không còn tồn tại. Và đó quả thực là khó khăn" – chị Hồng Nhung tâm sự - "Cách của tôi làm là đưa dó gần gũi hơn với người trẻ, những người mà tôi cho rằng có thể tiếp nối được cha ông và tạo nên giá trị".
"Với chủ đề của chương trình lần này là kiến tạo, độc bản, tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có sự độc bản của riêng mình, có giá trị của riêng mình. Dù là nghề nghiệp nào thì không nhất thiết mình phải khởi nghiệp mà nên nuôi dưỡng những giá trị ấy, bởi chỉ cần bạn có những giá trị đó thì sẽ có rất nhiều người muốn đồng hành cùng bạn", chị Hồng Nhung chia sẻ.
Để tìm được con đường riêng có dấu ấn trong cuộc đời mình, không chỉ cần có đam mê, nhiệt huyết mà cũng cần có cả sự nỗ lực lao động và sáng tạo không ngừng nghỉ. Câu chuyện của họa sĩ Lê Hữu Hiếu là minh chứng cho điều đó. Vốn đã có công việc ổn định nhưng Lê Hữu Hiếu lại có sự thôi thúc từ bên trong của một người nghệ sĩ, muốn sống một cuộc đời đi đến tận cùng và quyết định rẽ hướng sang hội họa thị giác.
Tháng 10/2021, một triển lãm đặc biệt đã gây kinh ngạc cho các cơ quan truyền thông, các giám tuyển và khán giả tại Italy cũng như châu Âu với cái tên "Soul energy" (Năng lượng tâm hồn). Tác giả của triển lãm là Lê Hữu Hiếu - một họa sĩ thị giác đến từ Việt Nam. Không những là một triển lãm chính thức đầu tiên của một nghệ sĩ Việt Nam tại Italy, đây còn là triển lãm cá nhân đầu tiên của một nghệ sĩ châu Á tại Venice - nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật thế giới.
Năm 2023, thông tin về nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam đến với Venice Biennale đã mở ra một chương mới cho nghệ thuật thị giác của nước nhà. Với lịch sử 129 năm tổ chức, đại triển lãm Venice Biennale được xem là một thế vận hội olympic của mỹ thuật. Lê Hữu Hiếu một lần nữa lại bước ra thế giới. Anh là họa sĩ Việt đầu tiên chính thức được ban tổ chức mời dự Venice Biennale lần thứ 60 tổ chức vào năm 2024. Với cá nhân anh, đây là một cách rõ ràng nhất để đưa những giá trị nghệ thuật Việt Nam độc đáo đến với nghệ thuật quốc tế.
"Thời gian không chờ đợi ai cả. Chúng ta bây giờ chính là ông cha của vài chục năm sau, nên hãy cố gắng bằng những gì mình có thể, đặt những viên gạch đầu tiên mở đường cho các thế hệ tiếp theo. Người đi đầu bao giờ cũng là những người khó khăn nhất, chịu rất nhiều hy sinh nhưng hãy luôn nhớ rằng miễn ta cố gắng hết mình thì sẽ luôn làm được", họa sĩ Lê Hữu Hiếu cho biết.
Năm 2012, nhóm nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự, Trần Kim Ngọc trở về nước sau bốn năm cùng lưu diễn ở châu Âu trong khuôn khổ chương trình xiếc đương đại nổi tiếng Làng tôi. Đó cũng là thời điểm nhóm được thành lập để kéo dài niềm hạnh phúc sáng tạo và thực hành nghệ thuật.
Tại một xưởng làm việc ở Gia Lâm, Hà Nội, họ bắt đầu nghiên cứu và phát triển các nhạc cụ mới, chủ yếu làm từ tre - chất liệu quen thuộc gắn liền với văn hóa, đời sống và hồn cốt người Việt. Hơn 10 năm qua, nhóm đã tạo nên được sợi dây kết nối với những giá trị mang tinh thần hồn cốt Việt, cùng với những tư duy tìm tòi sáng tạo trong sáng, hồn nhiên và đầy hoài bão.
"Chúng tôi có hai thứ là tình yêu với văn hóa bản địa và phương pháp tìm tòi sáng tạo tập thể và mong muốn khai thác chất liệu cây tre", thành viên nhóm nghệ sĩ Đàn Đó chia sẻ.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật nhiều năm của mình, nhóm Đàn Đó mong muốn tạo dựng một không gian sáng tạo nghệ thuật mang màu sắc bản địa có tính thẩm mỹ, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng và thân thiện. Cũng qua đó những hoạt động của Đàn Đó Lab như cây cầu kết nối văn hoá bản địa với khán giả. Chuyện của Đó như là một chia sẻ ý nghĩa về đời sống tinh thần nghệ thuật sáng tạo, cuộc hành trình đi tìm kiếm những âm thanh. Một cuộc hành trình kéo dài 12 năm, như một vòng chu kỳ của tạo hoá.
Chuyện của Đó đã truyền cảm hứng tích cực đến niềm tin vào con đường mình đã lựa chọn, sự thất bại hay thành công cũng chỉ là những trạm nghỉ trên con đường chúng ta đi mà thôi. Trên con đường đó là một cuộc đời hạnh phúc khi tìm được điều ý nghĩa đáng sống, đáng làm, đáng hy sinh, để tìm kiếm những âm thanh độc bản, tinh khiết, ấm áp và an nhiên.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...