Hà Hùng Dũng theo đuổi mỹ thuật ứng dụng đã hàng chục năm nay. Các họa tiết Sa Pa từ tranh mà Hà Hùng Dũng mang vẽ lên gốm rất được nhiều người yêu thích. Vì vậy số lượng những tác phẩm được dán nơ đỏ ngay trong ngày khai mạc thật sự đáng mừng. Bán chạy nhất phải kể đến là các khạp đựng gạo được vẽ hoa văn lưu giữ văn hóa dân tộc và biểu tượng của sự no đủ. Đặc biệt, toàn bộ 10 bức tranh được Hà Hùng Dũng mới vừa vẽ ở trại sáng tác Pù Luông cũng bán hết không còn bức nào.
Trong nhóm, có 3 nữ họa sĩ là Vivian Nguyễn, Dương Thị Thúy Hiền và Châu Thị Ái Vân cùng công bố chùm những bức tranh sơn mài.
Vốn được biết đến như một họa sĩ sáng tác cùng kỹ thuật số AI nhưng ở lần xuất hiện lần này, họa sĩ Vivian Nguyễn mang đến triển lãm những bức tranh sơn mài truyền thống. Theo Vivian Nguyễn: "Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và khối óc con người sẽ cho ra những tác phẩm vượt tầm trí tưởng tượng. Tuy nhiên, nghệ thuật chỉ đẹp nhất khi nó được ấp ủ và hình thành theo cách nguyên sơ nhất, đó chính là khởi nguyên từ bàn tay, trí tưởng tượng và đam mê trong mỗi họa sĩ".
Mỗi người một vé quay trở về tuổi thơ
Họa sĩ Dương Thị Thúy Hiền thì vẽ những con đường đất đỏ của quê hương Đắk Lắk, những cung đường trải nghiệm qua nhiều nẻo đường đất nước. Cô còn ghi lại những khoảnh khắc lộng gió ngắm khung cảnh thiên nhiên kỳ thú khi đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn, trải nghiệm những đỉnh cao heo hút ở miền núi Hà Giang, quốc lộ 14, đường Trường Sơn trùng điệp, hay cung đường sơn thủy hữu tình đi qua thủy điện Tà Đùng…
Họa sĩ Châu Thị Ái Vân cư trú ở thị trấn Kon Dơng (H.Mang Yang, Gia Lai). Ngoài tranh phong cảnh, hoa và tĩnh vật, những bức về đề tài trẻ thơ chiếm số lượng nhiều nhất trong các tác phẩm của nữ họa sĩ Gia Lai. Ngoài giờ dạy mỹ thuật ở Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Kon Dơng), cô giáo Châu Thị Ái Vân lại dành thời gian miệt mài bên các tác phẩm chủ đề tuổi thơ.
"Tuổi thơ tôi gắn liền với những cánh diều, con trâu trên bãi cỏ, là những tiếng cười rộn rã cùng lũ bạn khi cùng chơi những trò chơi dân gian như chơi chuyền, thả liều, chơi ô ăn quan hay bịt mắt bắt dê… Khi con người ta lớn lên, mọi thứ thay đổi, tuổi thơ ở lại cùng quá khứ nhưng đa số chúng ta đều chẳng thể quên được những ký ức trong sáng ấy. Tôi muốn tặng cho bản thân và mỗi người một vé quay trở về tuổi thơ và đó chính là ý tưởng để tôi thực hiện bộ tranh này" – Châu Thị Ái Vân tâm sự.
Họa sĩ Đinh Nhật Tân mang đến cho người thưởng lãm một chùm tác phẩm từ gỗ tái chế. Anh kể câu chuyện về truyền thuyết của vùng núi Viplay (Quảng Ngãi). "Dân làng vùng đó nằm lọt vào thung lũng bao bọc bởi những dãy núi cao và trong đó cao nhất là đỉnh Vang Paty. Trên đỉnh núi đó có một dòng suối chảy xuống buôn làng. Trên đỉnh núi đó có một con cá to lớn, hung dữ. Vào những ngày hè nó thường tham lam uống hết nước của dân làng. Cứ vào ngày hè thì dân làng sẽ đói, khát mà phải bỏ làng ra đi…", anh kể.
Họa sĩ Vũ Hoài Thương với chùm tranh acrylic vẽ những chú mèo mềm mại, uyển chuyển, đầy đam mê và đầy tình cảm. Những chú mèo độc thân (tác phẩm Sáng bình yên), rồi tìm thấy bạn đời (Giáng sinh ấm áp), đến lúc có tổ ấm riêng (Mèo con đón Tết) được nữ họa sĩ thổi hồn vào nét cọ đầy sống động.
Triển lãm Rực rỡ mùa hè còn có sự góp mặt đa dạng của các nhà thiết kế: Đinh Thu Hà, Mai Hoài Linh, Nguyễn Lan Chi, trong đó có một góc trưng bày nghệ thuật của nhà thiết kế nội thất Nguyễn Thị Hồng Hạnh và tràn ngập vẻ đẹp lãng mạn từ các tác phẩm hoa nghệ thuật của nhóm các nhà thiết kế hoa The Trees, gồm: Quỳnh Hương, Nhất Việt, Quốc Bảo khiến khách đến thưởng lãm đều phải trầm trồ. Triển lãm kéo dài tới hết ngày 27.5 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM và hoàn toàn miễn vé vào cửa.