Trong bối cảnh phương Tây không mặn mà lắm với kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Zelensky đưa ra, cùng việc khó đoán định kết quả bầu cử Mỹ, cánh cửa cơ hội đối với Ukraine đang thu hẹp dần.
Phương Tây phớt lờ kế hoạch hòa bình
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Ukraine Zelensky đã hối thúc các nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ “kế hoạch chiến thắng” mà ông đưa ra, với tuyên bố sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột với Nga vào năm 2025. Nhưng đổi lại, ông Zelensky chỉ nhận được sự ủng hộ đơn thuần về mặt ngoại giao.
Không quốc gia phương Tây nào đồng ý cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do họ cung cấp bắn vào các mục tiêu quân sự sâu bên trong nước Nga. Cũng không có cường quốc nào công khai tán thành việc mời Ukraine gia nhập NATO khi xung đột đang diễn ra. Với kết quả này, chuyến vận động hành lang của ông Zelensky tại Mỹ và châu Âu trong 6 tuần qua được xem như thất bại.
Nhưng giới quan sát cho rằng, đối tượng thực sự mà kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky hướng đến là người dân ở trong nước. Tổng thống Zelensky dường như đã sử dụng những lập luận cứng rắn, trong đó có cả bài phát biểu gần đây trước Quốc hội, để chứng minh cho người dân Ukraine thấy rằng ông đang làm mọi thứ trong khả năng của mình, đồng thời chuẩn bị cho kịch bản Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trong bối cảnh sự ủng hộ của phương Tây ngày càng giảm sút cùng những tổn thất của Ukraine dọc theo mặt trận phía Đông và ở tỉnh Kursk của Nga, cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ với kết quả khó đoán định, Tổng thống Zelensky có rất ít lựa chọn.
Ông Michael John Williams, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Syracuse nhận định: “Tổng thống Zelensky phải thúc đẩy kế hoạch, đưa ra một đường hướng cụ thể và nói rằng đây là những gì Ukraine phải làm. Ông ấy cần phải chứng tỏ rằng đang nỗ lực rất nhiều dù gần như cạn kiệt mọi lựa chọn”.
Tổng thống Zelensky đang làm mọi cách để khiến Mỹ và các đồng minh khác cam kết sẽ đáp ứng những gì Ukraine cần, giúp ông có thể đàm phán với Nga ở một vị thế mạnh mẽ hơn. Phát biểu với báo chí vào tuần trước, ông Zelensky nói, Ukraine sẽ không có kế hoạch B nếu phương Tây không ủng hộ kế hoạch của ông. “Tôi không khẳng định họ cần làm chính xác theo cách này. Nhưng tôi cho rằng kế hoạch đưa ra sẽ hiệu quả”.
Nhà lãnh đạo Ukraine tái khẳng định sẽ không nhượng lãnh thổ để đổi lấy thỏa thuận với Nga, song ông cũng nói về các biện pháp ngoại giao để giải quyết những vấn đề như bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng và thiết lập hành lang vận chuyển an toàn cho Ukraine trên Biển Đen.
Tuy vậy, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng với kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky, cho đây là điều phi thực tế và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ của phương Tây. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, ông Zelensky đã đề xuất một "gói răn đe phi hạt nhân" trong đó Ukraine sẽ nhận được tên lửa Tomahawk từ Mỹ. Đây là một yêu cầu hoàn toàn không khả thi. Tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.400km, gấp khoảng 7 lần tầm bắn của tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine nhận được từ Mỹ trước đó. Theo các nguồn tin, Ukraine đã không thể thuyết phục các nhà ngoại giao phương Tây về lý do tại sao họ cần Tomahawk.
Giới chức Mỹ cho biết, Ukraine cũng không đưa ra được lý lẽ thuyết phục Washington về cách họ sẽ sử dụng vũ khí tầm xa. Danh sách mục tiêu bên trong nước Nga đòi hỏi số lượng tên lửa vượt xa những mà Mỹ hoặc bất kỳ đồng minh nào khác có thể cung cấp. Chưa kể, điều này có thể gây ra những nguy hiểm cho lợi ích của Washington ở Trung Đông và châu Á.
New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, ông Zelensky đã thất vọng khi Tổng thống Joe Biden không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khi hai bên gặp nhau tại Washington vào tháng 9/2024. Trước đây, ông Biden đã nhiều lần thay đổi lập trường sau khi từ chối yêu cầu của Ukraine về chuyển giao các loại vũ khí như xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa ATACMS.
Ukraine sẽ phải nhượng lãnh thổ?
Hiện Ukraine đều chịu tổn thất nghiêm trọng khi xung đột kéo dài sang năm thứ ba. Nhiều binh sỹ nước này đã kiệt sức khi phải phòng thủ tại một khu vực trong thời gian dài mà không có lực lượng thay thế. Kiev cũng tăng cường tuyển dụng tân binh, nhưng các binh sỹ này rất thiếu kinh nghiệm và chưa được đào tạo bài bản.
Nga cũng phải chịu thương vong lớn. Tuy vậy, nước này đang giành được những bước tiến chưa từng có ở miền Đông Ukraine.
Theo giới phân tích, cả Nga và Ukraine đều chưa phát đi tín hiệu cho thấy hai bên sẵn sàng ngồi vào bán đàm phán. Tổng thống Nga Putin nhiều lần tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán, nhưng nói thêm “quả bóng đang ở trên sân của Ukraine”.
Sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga, ông Putin cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đưa ra một đề xuất đàm phán với Ukraine về vấn đề hàng hải trên Biển Đen và một số vấn đề khác.
Hiện Tổng thống Zelensky đang cố gắng cân bằng giữa áp lực chính trị trong nước và sự thay đổi ở bên ngoài, khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người dân Ukraine không ủng hộ từ bỏ lãnh thổ. Mối đe dọa về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông đã khiến Mỹ và châu Âu giảm bớt sự chú ý đối với tình hình tại Ukraine. Phát biểu với Financial Times, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết: “Phương Tây đang mệt mỏi với cuộc chiến tại Ukraine và điều này ngày càng gia tăng”.
Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích cho rằng kết quả nhiều khả năng sẽ xảy ra nhất trong tương lai gần đối với cuộc chiến là một thỏa thuận tạm thời nhằm đóng băng xung đột giữa hai bên theo một giới tuyến vẫn chưa được xác định.
Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO cho rằng: “Sẽ không hợp lý nếu Ukraine muốn giành lại 100% lãnh thổ và Kiev có lẽ cũng hiểu điều này. Ukraine có lẽ cần phải nhượng lại một số vùng lãnh thổ cho Nga trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng điều cần thiết là phải phi quân sự hóa tiền tuyến, đồng thời Ukraine phải có sự đảm bảo an ninh tuyệt đối để tránh xung đột tái diễn trong nhiều năm tới”.
Trên mặt trận, các binh sỹ Ukraine ngày càng tỏ ra thiếu hy vọng và niềm tin đối với các đối tác phương Tây. Một binh sỹ vận hành UAV tại Lữ đoàn 57 của Ukraine cho biết, anh muốn tiền tuyến hiện tại bị đóng băng vì Ukraine không thể đánh bại Nga bằng súng máy và những phương tiện đơn giản. Binh sỹ này chỉ trích Mỹ và châu Âu vì đã không cung cấp thêm vũ khí có độ chính xác cao cho Kiev.
Một tình nguyện viên giúp sơ tán người dân gần Pokrovsk - thị trấn phía đông Ukraine nơi quân đội Nga đang tiến gần, cho rằng phương Tây chỉ muốn làm suy yếu Nga chứ không muốn giúp Ukraine giành chiến thắng. “Sắp tới, có thể sẽ chẳng còn ai sử dụng vũ khí mà họ cung cấp cho chúng tôi nữa bởi vì tất cả những gì đối tác phương Tây muốn là chúng tôi phải chiến đấu cho đến khi chỉ còn binh sỹ cuối cùng”.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...