Chương trình “Ngày Việt Nam tại Brazil” được tổ chức từ ngày 15 - 17/11 nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt Nam - Brazil nhằm quảng bá và tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam đến với bạn bè Brazil và quốc tế; mang đến những góc nhìn mới, đa chiều về các di sản văn hóa nghìn năm của dân tộc Việt; khẳng định bản sắc văn hóa riêng biệt và thể hiện khát vọng hội nhập, phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong đó, không gian văn hóa Việt Nam giới thiệu một tổ hợp trưng bày và trải nghiệm văn hóa đặc sắc, với các hoạt động giao lưu văn hóa tiêu biểu đã gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế.

Hội tụ tinh hoa văn hóa

Tại thành phố Rio de Janeiro, khách tham dự chương trình háo hức đội những chiếc nón lá truyền thống và cùng khám phá nhiều nét tinh hoa văn hóa của đất nước Việt Nam như: nặn tò he, in tranh Đông Hồ và thưởng thức cà phê pha chế trong khu vực "phố cổ Hà Nội".

Công chúng Brazil tự tay nặn những chiếc tò he xinh xắn. (Ảnh: BTC)

Mở đầu sự kiện là chương trình nghệ thuật chào mừng với màn trống hội kết hợp với múa võ cổ truyền Vovinam đã mang đến bầu không khí sôi động và tinh thần nhiệt huyết. Các động tác võ thuật uyển chuyển, mạnh mẽ trên nền trống hào hùng, khí thế để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng sở tại.

Trong khuôn khổ chương trình, đội tuyển quốc gia thuộc Liên đoàn lân sư rồng Việt Nam lần đầu giới thiệu đến bạn bè quốc tế tiết mục múa rồng Tứ Linh tái hiện hình ảnh những con rồng thời Lý - một trong những nét tinh hoa văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống của người Việt từ xưa tới nay.

Anh Luiza Coelho, một người dân Brazil, vừa tạo hình tò he, vừa hào hứng chia sẻ: Việc tự tay nặn hình quả bóng và khắc hình cầu thủ yêu thích thành một món đồ chơi là trải nghiệm mới mẻ và ý nghĩa đối với anh. Dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Việt Nam, anh vừa được bày tỏ niềm tự hào dân tộc và tình yêu bóng đá của mình, vừa khám phá câu chuyện văn hóa sâu sắc giữa hai quốc gia. Anh Luiza Coelho cho biết, đây thực sự là cầu nối gắn kết người dân hai nước gần nhau hơn.

 Khán giả Brazil thưởng thức màn biểu diễn võ cổ truyền Vovinam. (Ảnh: BTC)

Bên cạnh đó, bộ ảnh triển lãm kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Brazil với nhiều bức ảnh, tư liệu quý giá đã khắc họa những dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Các triển lãm “Di sản văn hóa Việt Nam”, “Sắc màu Việt Nam”, bức tường về 54 dân tộc Việt cũng góp phần giới thiệu, quảng bá một Việt Nam vừa gìn giữ tinh hoa văn hóa ngàn năm vừa mạnh mẽ vươn mình trong kỷ nguyên hội nhập, thịnh vượng.

Đặc biệt, triển lãm tranh sơn mài “Lan tỏa sắc màu truyền thống” với sự tham gia của họa sĩ hai nước không chỉ làm nổi bật sự giao thoa văn hóa độc đáo mà còn truyền tải thông điệp về tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước qua ngôn ngữ nghệ thuật tinh tế.

Đưa múa rối nước đi nửa vòng trái đất tới Brazil

Năm nay, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Đây là cơ hội để chương trình tiếp cận được số lượng lớn đại biểu cấp cao tham dự hội nghị, qua đó góp phần lan tỏa các nội dung, hoạt động tới người dân Brazil và đông đảo bạn bè quốc tế.

Ban Tổ chức chương trình đã mang đến Brazil nhiều hoạt động biểu diễn, trong đó lần đầu giới thiệu những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc nhất của Việt Nam như múa lân sư rồng hay biểu diễn rối nước.

"Ngày Việt Nam ở nước ngoài" nỗ lực đưa nghệ thuật múa rối nước tới Brazil. (Ảnh: BTC) 

Đây là lần đầu tiên múa rối nước - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam - xuất hiện trong Chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”. Để làm được điều này, Ban Tổ chức và các nghệ nhân đã phải phát huy tối đa sự sáng tạo, tìm mọi cách để cải tiến và vận chuyển các nguyên vật liệu, đạo cụ cồng kềnh đi xa nửa vòng trái đất.

Nhiều bạn bè quốc tế đều tỏ ra hào hứng, thích thú khi lần đầu thưởng thức tiết mục kịch rối nước do nghệ nhân Phan Thanh Liêm thực hiện. Dưới mái ngói đỏ của sân khấu thuỷ đình, sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng với những con rối trên mặt nước đã tạo ra nhiều phần trình diễn huyền ảo, đậm chất Việt, phản ánh sinh động đời sống và nét văn hóa dân gian của người dân vùng làng quê Bắc Bộ. Những câu chuyện dân gian như chú Tễu, đua thuyền rồng, chọi trâu như dẫn dắt người xem vào cuộc hành trình khám phá văn hóa Việt đầy cuốn hút.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Trưởng Ban Tổ chức, cho biết: “Chúng tôi đã thay đổi các nguyên vật liệu từ gỗ sang tôn, nhựa, xốp. Quá trình này khá phức tạp và tốn công sức, vừa phải đảm bảo tính linh hoạt cho việc vận chuyển, vừa phải đảm bảo tính thẩm mỹ, nghệ thuật cho các tiết mục biểu diễn. Dù vậy, chúng tôi vô cùng tự hào khi có thể giới thiệu kịch rối nước tới bạn bè ở Brazil. Đây là món quà ý nghĩa mà chúng tôi muốn dành tặng người dân nơi đây”.

“Ngày Việt Nam ở nước ngoài” là chương trình quảng bá quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức thường niên từ năm 2010. Năm nay, Chương trình được tổ chức lần lượt tại Brazil và Ả rập Xê út với chủ đề “Hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng".

Bạn bè quốc tế say mê tìm hiểu về tranh Đông Hồ truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: BTC) 

“Ngày Việt Nam ở nước ngoài" 2024 là dịp để giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ẩm thực và các đặc trưng khác của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Thông qua đó, Việt Nam có thể nâng cao hình ảnh và uy tín quốc gia, đồng thời thể hiện sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa dân tộc. Đây là cơ hội để kết nối, động viên và tạo cơ hội giao lưu, trao đổi văn hoá giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với quê hương. Chương trình giúp củng cố tình cảm đoàn kết giữa người Việt Nam ở trong nước và kiều bào, thúc đẩy các mối quan hệ xã hội và kinh tế.

Bên cạnh đó, chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” góp phần tích cực vào việc triển khai chiến lược Ngoại giao Văn hóa của Việt Nam, giúp ngoại giao không chỉ tập trung vào các yếu tố chính trị và kinh tế mà còn phát triển trong lĩnh vực văn hoá. Đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia.

Sự kiện này không chỉ mang lại cơ hội giao lưu văn hoá mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế và vai trò của mình trong cộng đồng quốc tế, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia./.