Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa dường như sắp đặt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu chính phủ trong vòng 2 năm tới và nâng mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD.
Các nhà lập pháp Mỹ được lệnh sẵn sàng trở lại Quốc hội, để bỏ phiếu ngay lập tức thỏa thuận được kỳ vọng này, dù kỳ nghỉ của họ vừa bắt đầu.
Những giờ qua, chính phủ Mỹ và đại diện các nhà lập pháp đảng Cộng hòa liên tục đàm phán để đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công. Cả hai đều tiếp tục phát đi những tin tích cực từ bàn đối thoại.
Sau cuộc gặp mới nhất với Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Chủ tịch Hạ viện McCarthy và tôi đã có một số cuộc thảo luận hiệu quả. Nhân viên của chúng tôi tiếp tục gặp nhau. Đó là thực tế và họ cũng đang đạt được tiến bộ. Tôi đã nhiều lần nói rõ rằng việc vỡ nợ quốc gia không phải là một lựa chọn. Các nghị sĩ hàng đầu của quốc hội cũng đồng ý về điều đó, rằng sẽ không có chuyện vỡ nợ”.
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã có cuộc thảo luận trực tuyến ngày hôm qua (25/5). Nhà đàm phán phe Cộng hòa Garret Graves cho biết, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận vào tối cùng ngày, đồng thời tiết lộ hai bên vẫn chưa đạt đồng thuận về chi tiêu cho an sinh xã hội và chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo Medicaid. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Hern cho biết nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận vào chiều 26/5 (giờ địa phương).
Hãng tin Reuters dẫn nguồn quan chức Mỹ cho biết, Thỏa thuận đang được chính giới Mỹ xem xét sẽ nâng trần nợ trong 2 năm, đồng thời hạn chế hầu hết các khoản chi tiêu của chính phủ. Thỏa thuận sẽ chỉ định tổng số tiền mà chính phủ có thể chi cho các chương trình tùy ý như nhà ở và giáo dục, nhưng không chia nhỏ số tiền đó thành các hạng mục riêng lẻ. Số tiền này có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD, và mục tiêu của hai bên hiện chỉ chênh nhau 70 tỷ USD.
Các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa cũng đã rút lại kế hoạch tăng chi tiêu quân sự trong khi cắt giảm chi tiêu phi quốc phòng. Thay vào đó, họ ủng hộ việc Nhà Trắng phân bổ ngân sách cho hai hạng mục này theo cách công bằng hơn. Tuy nhiên, chính phủ và phe cộng hòa vẫn có quan điểm khác nhau về việc ai sẽ chịu thiệt khi Mỹ cắt giảm các khoản chi tiêu.
Hiện không ai biết chính xác Quốc hội Mỹ còn bao nhiêu thời gian để hành động. Bộ Tài chính nước này đã cảnh báo rằng chính phủ liên bang có thể cạn tiền để thanh toán tất cả các hóa đơn sớm nhất là vào ngày 1/6 và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng trước vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, hôm qua, bộ này cho biết họ sẽ bán khoản nợ trị giá 119 tỷ USD sẽ đến hạn vào ngày 1/6. Điều này có nghĩa là nước Mỹ có thể cầm cự thêm một khoảng thời gian.
Nếu đàm phán diễn ra suôn sẻ và một thỏa thuận đạt được vào ngày 26/5, thời điểm sớm nhất để nó được thông qua tại Hạ viện là sau đó 3 ngày và tại Thượng viện là 4 ngày sau đó. Cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đều đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ các thành viên trong các đảng yêu cầu không nhượng bộ trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean Pierre cho rằng, sẽ không có bên nào đạt được mọi thứ họ muốn: “Tổng thống và các nghị sĩ đã nói rằng con đường duy nhất để tiến tới là một hỏa thuận ngân sách hợp lý, cần được sự ủng hộ từ cả hai phía đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Hạ viện và Thượng viện. Điều đó có nghĩa là khi đàm phán, cả hai bên phải hiểu rằng không bên nào đạt được mọi thứ họ muốn”./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...