Theo một báo cáo mới nhất của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, so với trẻ em các nơi khác trên thế giới, trẻ em ở Philippines chịu mức độ rủi ro, nguy hiểm cao nhất trước các hiểm họa khí hậu và tác động môi trường “chồng chéo”.
Báo cáo của UNICEF cho biết ít nhất 96% trẻ em Philippines phải đối mặt với hơn ba loại hiểm họa, căng thẳng liên quan đến các loại khí hậu “chồng chéo”, cao hơn tỷ lệ trung bình ở cấp độ toàn cầu (73%) và khu vực (89%).
Điều này có nghĩa là cứ 10 trẻ em Philippines thì có tới 9 trẻ có nguy cơ đương đầu với một số loại khí hậu khắc nghiệt như: lũ lụt ven biển, khan hiếm nước, sóng nhiệt, ô nhiễm môi trường, lốc xoáy nhiệt đới… Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc các bệnh truyền nhiễm, sốt rét, sốt xuất huyết.
Dựa trên dữ liệu từ một số tổ chức nghiên cứu về khí hậu và môi trường, Philippines đứng trước nguy cơ, sự tổn thương hoặc áp lực liên quan khí hậu ở mức “cực kỳ cao”. Trên thực tế, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sự thịnh vượng và sinh kế của người dân Philippines. Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các hình thái thời tiết cực đoan, thời gian qua Philippines đã hứng chịu nhiều cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp, xảy ra gần như hằng năm trong 10 năm qua. Thiệt hại do bão mỗi năm ước tính ở mức 1,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
UNICEF cảnh báo với tần suất các cú sốc về khí hậu ngày càng tăng, mối nguy hiểm có thể tăng lên nhiều hơn đối với những trẻ em vốn đã bị tổn thương từ đại dịch Covid-19 hay từ khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đáng lưu ý, nó có thể tạo ra một “cuộc khủng hoảng đa dạng”, khi nhiều hiểm họa gần như xảy ra đồng thời với sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ; làm xói mòn khả năng của người dân trong việc giảm thiểu tác động.
Cũng theo báo cáo của UNICEF, hơn bất cứ khu vực nào khác, trẻ em ở Đông Á – Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các thảm họa khí hậu, môi trường chồng chéo. Ngày nay, trẻ em khu vực đối mặt nguy cơ về thảm họa khí hậu cao ít nhất hơn 6 lần so với thế hệ ông bà. Trong vòng 05 thập kỷ qua, các nước khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã hứng chịu số lượng lũ lụt gấp 11 lần, bão gấp 4 lần, hạn hán gấp hơn 2 lần và lở đất hơn 5 lần so với trước.
Nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, UNICEF nhấn mạnh sự cần thiết để trẻ em khu vực được tiếp cận liên tục với các dịch vụ thiết yếu. Điều này đòi hỏi các quốc gia đầu tư vào giáo dục phòng chống thiên tai, y tế, các dịch vụ nước, vệ sinh môi trường…UNCICEF cũng kêu gọi các quốc gia xây dựng các hệ thống bảo vệ trẻ em, bảo vệ xã hội trước vấn đề khí hậu, trong đó sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và sẵn sàng ứng phó với thảm họa ./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...