Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lan và 85 bị cáo khác bắt đầu khai mạc từ ngày 5.3, nhưng từ 5 - 8.3, HĐXX chỉ mới thẩm vấn 84/86 bị cáo.
Theo cáo trạng, trong 10 năm, từ năm 2012 - 2022, để rút ruột hơn 1 triệu tỉ đồng, sau đó gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khoảng 498.000 tỉ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thiết lập, xây dựng một "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty "con" trong và ngoài nước; thâu tóm SCB bằng cách nhờ cá nhân, pháp nhân đứng 91,5% cổ phần, từ đó, sử dụng SCB như một công cụ tài chính rút tiền của SCB phục vụ cho mục đích cá nhân, và các công ty của Trương Mỹ Lan.
Cụ thể, Trương Mỹ Lan thực hiện nhiều thủ đoạn, tham ô của SCB hơn 304.000 tỉ đồng tiền gốc, lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại thêm cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng; đồng thời chỉ đạo cấp dưới tại SCB đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước).
Chủ tọa: Bị cáo là người rất kỹ, dưới mỗi bản cung đều ghi "tôi đã đọc kỹ"
Khai tại tòa, khi được chủ tọa hỏi hành vi sai phạm của bị cáo Lan có giống như cáo trạng công bố không. Bị cáo Lan trình bày, cáo trạng không đúng nhưng "Bị cáo tôn trọng cáo trạng".
Chủ tọa yêu cầu bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, và khai cáo trạng thể hiện hành vi sai phạm của mình có đúng hay không, không cần phải tôn trọng cáo trạng.
Về chi tiết cáo trạng thể hiện bị cáo Lan nắm giữ 91,5% cổ phần SCB, Lan khai, không đúng, bị cáo chỉ nắm 4,9% cổ phần, 2 con gái 10%; bạn bè ở nước ngoài 30%, bạn bè ở Việt Nam hơn 35%. "Chưa bao giờ tại cơ quan điều tra, bị cáo xác nhận rằng bị cáo có 91,5%", Lan khai.
Chủ tọa: "Cáo trạng không xác định bị cáo khai nhận mình có 91% cổ phần SCB, mà cáo trạng nêu rằng, từ nhiều nguồn chứng cứ khác, thể hiện bị cáo nắm từ 81% - 91,5%. Trong đó, bị cáo chỉ có 4,9%, số còn lại mà người thân, bạn bè bị cáo đứng tên. Và những người đứng tên này đều giải thích đứng dùm cho Trương Mỹ Lan, tiền của Trương Mỹ Lan".
Bị cáo Lan: "Về cổ phần là không đúng, không biết có lời khai nào của bị cáo để cơ quan điều tra hiểu nhầm không".
Chủ tọa nói: "Bị cáo là người rất kỹ, dưới mỗi bản cung bị cáo đều viết "đã đọc kỹ" và ký tên, có luật sư tham gia, không ai hiểu nhầm bị cáo cả. Vậy lời khai nào của bị cáo tại CQĐT là đúng, và không đúng, bị cáo khai rõ". Trương Mỹ Lan trả lời: "Lời khai nào bị cáo ký, có luật sư tham gia là đúng ạ".
Trương Mỹ Lan: Không một ngày làm việc tại SCB, nói bị cáo chi phối SCB là không đúng
Sau đó, bị cáo Lan khóc lý giải về việc phải tham gia tái cơ cấu SCB do một số người có trách nhiệm của Nhà nước động viên tham gia để cứu SCB, cứu thị trường Ngân hàng Nhà nước. Nhưng khi không hiểu gì về ngân hàng cũng phải tham gia tái cơ cấu SCB, rồi hôm nay, bị cáo phải rơi vào cảnh phải đứng trước tòa.
"Bị cáo là một người có ảnh hưởng, có uy tín nên bị cáo phải có trách nhiệm khi nhiều người đề nghị bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB", Lan nói thêm.
Ngoài ra, theo bị cáo Lan, chi tiết Trương Mỹ Lan chi phối SCB theo cáo trạng cũng không đúng. "Bị cáo không làm việc một ngày nào tại SCB, nên nói bị cáo chi phối SCB là không đúng", Lan trình bày.
Chủ tọa nhấn mạnh: "Bị cáo suy nghĩ gì với các lời khai của dàn lãnh đạo SCB tại tòa xác định làm việc theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan; kể cả đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước đều khai trình độ quản trị ngân hàng yếu do không thực hiện đúng quy định pháp luật và làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan".
"Bị cáo không điều hành, bị cáo muốn giúp tái cơ cấu SCB, cho anh em mượn tài sản để vay tiền. Mấy nay, bị cáo mất ngủ vì lời khai của tất cả bị cáo làm việc tại SCB, tại sao không ai đứng lên nói sự thật", bị cáo Lan trình bày.
Chủ tọa: "Họ đều khai vai trò, quyền hành thực tế của Trương Mỹ Lan tại SCB. Bị cáo có gì chứng minh lời khai đó không đúng không?".
Bị cáo Lan: "Bị cáo không điều hành, và không giữ chức vụ gì tại SCB. Trong 11 năm, bị cáo chỉ cho mượn tài sản. Nếu bị cáo như cáo trạng nói, thì không thể ngày hôm nay tất cả tài sản của bị cáo đều nằm ở SCB, của cả gia tộc nợ nần".
Ngoài ra, bị cáo Lan cũng khai bị cáo chỉ là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và 5 – 6 công ty con trong tập đoàn, bị cáo không chỉ đạo thành lập hàng ngàn công ty con, không bao giờ chỉ đạo, thành lập "công ty ma"; tạo lập hợp đồng, hồ sơ vay khống.
Chủ tọa vẫn đang tiếp tục thẩm vấn bị cáo Lan về nội dung cáo trạng thể hiện bị cáo rút ruột hơn 1 triệu tỉ đồng của SCB, và dòng tiền sử dụng sau khi giải ngân ra khỏi ngân hàng.
86 bị cáo bị đưa ra xét xử với 8 tội danh: tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong 86 bị cáo bị xét xử, có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 7 bị cáo thuộc công ty thẩm định giá.
Bị cáo Lan bị xét xử về 3 tội danh tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với khung hình phạt 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
10 thủ đoạn phạm tội của Trương Mỹ Lan
- Thâu tóm cổ phần SCB, nhờ cá nhân, pháp nhân đứng tên 91,536% cổ phần.
- Bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB, mức lương từ 200 - 500 triệu đồng/tháng.
- Thành lập 3 đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan.
- Chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty "ma" tạo lập hồ sơ vay khống.
- Câu kết với các công ty có hoạt động thực tế vay tiền SCB cùng sử dụng, chiếm đoạt.
- Tạo lập hồ sơ vay khống để hợp thức việc rút tiền của SCB.
- Thông đồng với 5 công ty thẩm định giá phát hành chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay, nâng khống giá trị đảm bảo.
- Lập phương án rút, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân.
- Bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu.
- Mua chuộc 17 cán bộ, lãnh đạo Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước; 16 bị cáo còn lại từ 20 triệu đồng đến gần 10 tỉ đồng.