Bị cáo Trương Mỹ Lan là người quyết định nhân sự ở SCB
Tại toà, chủ tọa hỏi, suy nghĩ của bị cáo Trương Mỹ Lan về việc tất cả các bị cáo tại tòa khai nhận làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, kể cả các bị cáo làm trong cơ quan thanh tra, giám sát NHNN? Và cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan khai, các bị cáo khai không đúng, những người ở SCB không phải thân tín của mình kể cả Võ Tấn Hoàng Văn, bởi nếu là người thân tín của bị cáo không thể làm mấy tháng đến một năm rồi nghỉ.
Sau khi xét hỏi Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí, đại diện VKSND Tối cao (VKS) xét hỏi một số bị cáo để làm rõ ai là người quyết định nhân sự, các vị trí quan trọng ở SCB.
Được VKS hỏi đầu tiên, bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB) khai nhận, Trương Mỹ Lan là người quyết định nhân sự tại SCB. Mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty "ma" đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký.
Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn; những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.
Trương Mỹ Lan chỉ đạo qua điện thoại lẫn trong cuộc họp
VKS đặt câu hỏi, ai là người chỉ đạo rút tiền từ SCB thì bị cáo Trương Khánh Hoàng khai, Trương Mỹ Lan là người yêu cầu các bị cáo làm thủ tục rút tiền khỏi SCB. Đầu tiên, trong cuộc họp Trương Mỹ Lan chỉ đạo bị cáo lập hồ sơ, tài sản bảo đảm. Sau đó, Trương Mỹ Lan có trao đổi qua điện thoại để thực hiện giải ngân theo ý của Trương Mỹ Lan. Việc cho vay, giải ngân ra sao Trương Mỹ Lan chỉ đạo trong cuộc họp và lẫn qua điện thoại.
VKS hỏi thêm: "trong cuộc họp có ai tham dự" thì bị cáo Trương Khánh Hoàng khai, có Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn và bị cáo.
VKS hỏi tiếp tại CQĐT bị cáo Trương Khánh Hoàng có khai từ thời điểm nào có mặt Trương Huệ Vân (cháu ruột Trương Mỹ Lan) trong các cuộc họp, tại sao lại có mặt? Bị cáo Trương Khánh Hoàng khai tiếp, từ năm 2021 Trương Mỹ Lan giao Trương Huệ Vân quản lý, điều hành Công ty CP Lavifood nên đưa Trương Huệ Vân vào tham gia vào cuộc họp để SCB xử lý khoản vay cho công ty này.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng khai thêm, ngoài nhận điện thoại chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan để chuẩn bị tiền cần giải ngân để sử dụng nhiều mục đích, hoạt động cho hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì có Trương Huệ Vân gọi điện cho bị cáo.
VKS hỏi sau khi bị cáo nhận điện thoại của Trương Mỹ Lan thực hiện thủ tục quy trình rút tiền như thế nào, có đúng quy định không? Bị cáo Hoàng khai còn nhận chỉ đạo trực tiếp từ Trương Mỹ Lan, khi lập hồ sơ bị cáo làm việc với Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), sau đó nhóm của Nguyễn Phương Anh sẽ thực hiện thủ tục.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng khai, hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan cho hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hồ sơ hợp thức sau.
Trương Mỹ Lan chỉ đạo chuyển tiền qua nước ngoài làm gì?
Cũng theo cáo buộc, từ năm 2020, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng giám đốc SCB thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan, gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân. Cả 3 đơn vị này có chức năng cho vay như các Chi nhánh nhưng trực thuộc quản lý điều hành của Hội sở SCB, không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động và chỉ lập hồ sơ cho vay đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan.
Cáo trạng thể hiện, từ ngày 3.6.2020 đến ngày 24.6.2022, 3 đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay với tổng dư nợ là 212.725 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là 185.183 tỉ đồng, nợ lãi/phí là 27.542 tỉ đồng.
Được VKS xét hỏi về việc thành lập 3 trung tâm trên với chức năng cho vay, nhưng không có con dấu, có hay không ý kiến của Trương Mỹ Lan, bị cáo Trương Khánh Hoàng khẳng định, việc thành lập 3 trung tâm thì phía SCB bị động vì SCB không phải là đầu mối thành lập công ty. Việc thành lập 3 trung tâm này bị cáo nghĩ phải xin ý kiến của Trương Mỹ Lan.
Cũng theo bị cáo Hoàng nói, tiền sau khi được giải ngân thì mục đích sử dụng tiền cho việc thanh toán các dự án Trương Mỹ Lan đã mua như dự án 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dự án Tuần Châu, dự án KĐT Hồng Phát ở Long An theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
VKS hỏi: "tại CQĐT, bị cáo còn khai Trương Mỹ Lan có cách thức chuyển tiền qua nước ngoài, bị cáo từng tham gia, bị cáo hãy khai rõ?".
Bị cáo Hoàng khai, với vai trò quyền Tổng giám đốc bị cáo có phê duyệt chuyển tiền qua nước ngoài theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, để thanh toán mua công ty nước ngoài ở Việt Nam, thanh toán thẻ tín dụng khi Trương Mỹ Lan đi nước ngoài.
Cáo trạng xác định, trong 10 năm, từ năm 2012 - 2022, để rút ruột hơn 1 triệu tỉ đồng, sau đó gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khoảng 498.000 tỉ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thiết lập, xây dựng một "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty "con" trong và ngoài nước; thâu tóm SCB bằng cách nhờ cá nhân, pháp nhân đứng 91,5% cổ phần, từ đó, sử dụng SCB như một công cụ tài chính rút tiền của SCB phục vụ cho mục đích cá nhân, và các công ty của Trương Mỹ Lan.
Cụ thể, Trương Mỹ Lan đã thực hiện nhiều thủ đoạn, tham ô của SCB hơn 304.000 tỉ đồng tiền gốc, lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại thêm cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng; đồng thời chỉ đạo cấp dưới tại SCB đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước.