Hôm 2.1, Xuân Son đã lập kỷ lục AFF Cup khi ghi bàn trong 4 trận mở đầu liên tiếp. Anh cũng là người chấm dứt "lời nguyền" của đội tuyển Việt Nam trong suốt 27 năm không thắng được Thái Lan trên sân nhà.
Thành công của Xuân Son ngay khi ra mắt đội tuyển Việt Nam là cơ sở để bóng đá nước nhà tin vào việc trao cơ hội cho cầu thủ nhập tịch trong tương lai gần.
Tôi muốn hỏi cầu thủ nhập tịch là gì? Cần những điều kiện, thủ tục gì để cầu thủ nước ngoài được nhập tịch Việt Nam?
Bạn đọc Quốc Cường
Luật sư tư vấn
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, cầu thủ nhập tịch là những người có quốc tịch gốc nước ngoài nhưng đã được công nhận là công dân Việt Nam. Họ được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ như mọi công dân khác, bao gồm cả việc thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Theo luật sư Thanh, việc nhập tịch không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà còn thể hiện sự gắn bó của cầu thủ với đất nước mà họ muốn cống hiến. Quá trình nhập tịch được thực hiện theo luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Cụ thể, điều 19 của luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam
- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng
- Đã cư trú hợp pháp tại Việt Nam từ 5 năm trở lên tính từ ngày được cấp thẻ thường trú
- Có khả năng tự bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam
- Từ bỏ quốc tịch gốc, trừ trường hợp được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch gốc theo khoản 3 điều 19 luật Quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, tại điều 7, làm rõ các tiêu chí như:
- Việc biết tiếng Việt phải đủ khả năng nghe, nói, đọc, viết phù hợp với môi trường sống và làm việc
- Khả năng tự bảo đảm cuộc sống được chứng minh qua tài sản, thu nhập hợp pháp hoặc bảo lãnh
- Thời gian cư trú hợp pháp tại Việt Nam được xác định từ ngày cấp Thẻ thường trú.
Đối với các trường hợp đặc biệt, tại điều 19 khoản 3 của luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 cho phép miễn giảm một số điều kiện. Điều 8 của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP làm rõ, những người có công lao đặc biệt hoặc việc nhập quốc tịch của họ có lợi cho Nhà nước Việt Nam có thể được miễn điều kiện như thời gian cư trú 5 năm, biết tiếng Việt hoặc từ bỏ quốc tịch gốc.
Điều này thường áp dụng với các cầu thủ nước ngoài có đóng góp lớn cho sự phát triển bóng đá hoặc những người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực khác.
Hồ sơ nhập quốc tịch
Điều 20 luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và điều 10 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định rõ, người xin nhập quốc tịch phải nộp đơn tại Sở Tư pháp nơi mình cư trú. Hồ sơ nhập quốc tịch bao gồm:
- Đơn xin nhập quốc tịch
- Bản sao giấy khai sinh
- Lý lịch tư pháp
- Thẻ thường trú
- Giấy chứng minh thu nhập hoặc bảo lãnh và văn bản từ bỏ quốc tịch gốc (nếu có).
Các giấy tờ này, nếu do cơ quan nước ngoài cấp, phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt.
Luật sư Thanh cho biết, quá trình thẩm định hồ sơ sẽ do Sở Tư pháp thực hiện và chuyển đến Bộ Tư pháp để xem xét. Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ, sau đó Chủ tịch nước sẽ ký quyết định nhập quốc tịch nếu hồ sơ hợp lệ.
Theo điều 12 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức lễ trao Quyết định nhập quốc tịch, đảm bảo tính trang trọng và ý nghĩa.
"Những cầu thủ nước ngoài hoàn tất quá trình nhập tịch không chỉ mang đến sự đa dạng về nhân lực cho đội tuyển quốc gia mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam", luật sư Thanh đánh giá và cho rằng việc này cần được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với lợi ích chung của đất nước.