Trong buổi chiều làm việc, tòa tập trung vào xét hỏi đối với nhóm các bị cáo thuộc đoàn thanh tra, tổ giám sát Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) Ngân hàng Nhà nước. Có 16 bị cáo bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và các bị cáo tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đặc biệt, trong vụ án, cựu quyền Chánh thanh tra Cơ quan TTGSNH, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Du, bị truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Du không nhận được quà cáp gì liên quan đến ký kết luận thanh tra. Cũng theo Du, thời điểm nhận nhiệm vụ, lẽ ra kết luận thanh tra phải được ký trước khi bị cáo nhận nhiệm vụ, nhưng vì nhiều lý do dẫn đến Du phải ký với tư cách là người đứng đầu. Bị cáo thấy rõ trách nhiệm và thừa nhận sai phạm.
Do Nguyễn Văn Hưng nghỉ hưu theo chế độ, Nguyễn Văn Du tiếp nhận nhiệm vụ Chánh thanh tra Cơ quan TTGSNH, ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận thanh tra. Nội dung kết luận thanh tra đã được Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn và các thành viên trong đoàn báo cáo các cấp lãnh đạo về kết quả thanh tra, đã kết thúc trước khi Nguyễn Văn Du tiếp nhận nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trước khi ký kết luận thanh tra, Nguyễn Văn Du đã không tổ chức họp đoàn thanh tra và không so sánh, đối chiếu, kiểm tra, rà soát với kết quả thanh tra trước đó tại báo cáo của đoàn, của tổ và thành viên đoàn thanh tra, dẫn đến việc ban hành kết luận thanh tra không trung thực, không khách quan, làm lợi cho SCB, gây thiệt hại hơn 514.100 tỉ đồng.
Tại tòa, ngoài bị cáo Du, các bị cáo trong đoàn giám sát thừa nhận mình đã nhận quà của SCB từ 20 triệu đồng đến hơn 20.000 USD để bỏ qua các sai phạm như cáo trạng truy tố, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Theo đó, Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, bị cáo buộc với vai trò chủ mưu. Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan TTGSNH, Ngân hàng Nhà nước) cùng các bị cáo còn lại… với vai trò giúp sức cho hành vi làm trái công vụ của Hưng.
Riêng Nguyễn Thị Phụng, cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, đã nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng, quà và lợi ích vật chất từ SCB (1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn). Phụng bị cáo buộc với vai trò Phó trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng Tổ tổng hợp, thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng và Đỗ Thị Nhàn.
"Bị cáo biết mình sai rồi", Phụng bật khóc tại tòa.
Phụng cho rằng, ban đầu thấy khoản vay của các khách hàng SCB thuộc tình trạng nhóm 4, 5 chứ không phải thuộc nhóm 1, nên đã báo cáo kiến nghị nhưng không được Hưng và Nhàn xử lý.
"Với những người có trình độ như thế lẽ ra phải biết, khi có quan điểm khác nhưng sao vẫn ký vào biên bản", chủ tọa vặn lại.
Bị cáo khẳng định không hưởng lợi ích gì. Lý do Phụng phải làm vậy vì bị cáo Nguyễn Văn Hưng không ký tờ trình, cứ nghĩ kiến nghị của mình được xử lý rồi.
"Có phải nhận quà là để bỏ qua", chủ tọa hỏi.
"Dạ. Bị cáo đã nộp lại trước khi bị khởi tố. Mong HĐXX cân nhắc hình phạt cho bị cáo và đoàn thanh tra", Phụng nói trong nghẹn lời.
Phụng bị cáo buộc với hành vi kết thúc thanh tra đợt 1, Phụng đã đồng ý bỏ ngoài phần kết luận phân loại nợ xấu, trích lập DPRR, thoái lãi dự thu và không kiến nghị xử lý sai phạm của SCB đối với các dự án, phương án tái cơ cấu (dự án Mũi Đèn Đỏ, dự án 6A và dự án Royal Garden của SCB Chi nhánh Cống Quỳnh) tại báo cáo kết quả thanh tra và các dự thảo và kết luận thanh tra, làm sai lệch nội dung, kết quả thanh tra theo hướng bao che, có lợi cho SCB.
Tại đợt 2, theo sự chỉ đạo của Đỗ Thị Nhàn, Phụng đã đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay nhóm 71 khách hàng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, để bỏ 26 khoản vay của 18/71 khách khỏi kế hoạch thanh tra, không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra xử lý.
Phụng là người chỉ đạo tổ tổng hợp tham mưu cho Đỗ Thị Nhàn và Nguyễn Văn Hưng xây dựng các báo cáo lên lãnh đạo NHNN, Chính phủ, với nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ, sai lệch so với kết quả thanh tra theo hướng bao che cho sai phạm của SCB.
Ngoài ra, quá trình thanh tra tại SCB từ năm 2017 - 2018, thành viên tại các tổ thanh tra là những người biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu; sai phạm, vi phạm tại các khoản vay của nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.
Các bị cáo biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB thông qua kết quả thanh tra. Tuy nhiên vì động cơ cá nhân, tiêu cực, nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB, Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn để chỉ đạo tổ tổng hợp và các thành viên trong đoàn, cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Mục đích là không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu.
Việc nhận tiền để làm trái công vụ của đoàn thanh tra đã tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hơn 514.100 tỉ đồng.
Cuối giờ chiều, tòa thông báo, ngày 11.3, tòa xét hỏi hành vi vi phạm của Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.