Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tóc bạc trắng hầu tòa
Theo cáo buộc, với tư cách Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội, bị cáo Tuấn chủ trương cho một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Nga (Công ty Hoàng Nga) và Công ty CP công nghệ sinh học Kim Hòa Phát (Công ty Kim Hòa Phát), được ký gửi vật tư để BV sử dụng trước, rồi hợp thức việc thanh toán bằng cách cho các doanh nghiệp trúng thầu.
Giai đoạn 2016 – 2017, BV Tim Hà Nội tổ chức 5 gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu số 5 năm 2016 tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi có trị giá trên 247 tỉ đồng, 4 gói thầu năm 2017 được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn trị giá gần 348 tỉ đồng.
Để hợp thức hồ sơ thầu, bị cáo Tuấn cùng các cựu lãnh đạo, cán bộ BV đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, cùng các bị cáo thuộc Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát thực hiện nhiều sai phạm từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng vật tư… Hậu quả, Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát trúng hàng loạt gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho BV Tim Hà Nội, qua đó gây thiệt hại hơn 53,6 tỉ đồng.
Khai trước tòa, bị cáo Tuấn thừa nhận phần lớn cáo buộc của viện kiểm sát. BV Tim Hà Nội có chủ trương cho doanh nghiệp ký gửi vật tư rồi hợp thức thanh toán sau, nhưng chủ trương này đã có từ trước khi bị cáo Tuấn được bổ nhiệm làm giám đốc. Hơn thế, các mặt hàng đấu thầu phần lớn có tính truyền thống, BV đã mua từ nhiều năm, vì vậy bị cáo Tuấn chỉ đạo cấp dưới tổ chức đấu thầu để mua vật tư theo nguyên tắc giá năm sau bằng hoặc thấp hơn năm trước.
Phân trần việc chỉ định 4 gói thầu năm 2017, cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, thời điểm này, Hà Nội chủ trương đấu thầu tập trung nhưng diễn ra rất chậm. Về nguyên tắc, vật tư dùng cho năm 2017 phải được đấu thầu xong trong quý 1, nhưng thực tế đến mãi cuối năm mới có kết quả đấu thầu. “Nếu đợi kết quả đấu thầu tập trung thì cả năm 2017 BV coi như không có vật tư phục vụ bệnh nhân, như vậy sẽ phải đóng cửa. Từ đó, BV mới có chủ trương vay trước của 2 công ty nhằm phục vụ bệnh nhân”, bị cáo Tuấn khai.
Vẫn theo lời bị cáo Tuấn, do thiếu vật tư mà chưa thể đấu thầu tập trung, bị cáo đã báo cáo lên Sở Y tế, Sở Tài chính Hà Nội và Trung tâm mua sắm công, đề xuất chỉ định thầu khẩn cấp, áp dụng kết quả đấu thầu năm 2016; gửi kèm báo cáo là chi tiết số lượng vật tư còn trong kho, số lượng đã “vay”, đã sử dụng, dự kiến lượng cần mua… “Dù vậy, việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước là sai quy định, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”, bị cáo Tuấn nói.
Nhắc tới Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát, cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội dành lời cảm ơn vì họ đã giúp BV có vật tư phục vụ bệnh nhân, kịp thời khám chữa bệnh, “không nghĩ việc vay mượn vật tư lại liên lụy đến họ”.
Bị cáo Tuấn nhiều lần khẳng định không tư lợi, ngoài việc được bị cáo Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga, biếu vào các dịp tết, với tổng số 10.000 USD và chai rượu. Với vai trò đứng đầu BV, bị cáo Tuấn nhận thức mình là người có trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra sai phạm. Đến nay, gia đình bị cáo đã nộp hơn 6,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Ngoài bị cáo Tuấn, nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ BV Tim Hà Nội cũng đều thừa nhận việc hợp thức hóa hồ sơ từ khâu lập báo giá, chọn đơn vị thẩm định giá, lập hồ sơ đấu thầu, chấm thầu, thực hiện hợp đồng… Nhóm bị cáo này khai, thực hiện theo phân công của cấp trên và bị cáo Tuấn, không được hưởng lợi ích vật chất.
Sáng nay (18.4), phiên tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi.