Theo cáo buộc, với tư cách Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Mua sắm BV Tim Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư để BV sử dụng trước, sau đó sẽ hợp thức việc thanh toán bằng cách cho các doanh nghiệp trúng thầu.
Trong số này có Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Nga (Công ty Hoàng Nga) và Công ty CP công nghệ sinh học Kim Hòa Phát (Công ty Kim Hòa Phát).
Từ năm 2016 – 2017, BV Tim Hà Nội tổ chức 5 gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu số 5 năm 2016 tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi có trị giá trên 247 tỉ đồng, 4 gói thầu năm 2017 được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn trị giá gần 348 tỉ đồng.
Để hợp thức hồ sơ thầu, ông Tuấn cùng các cựu lãnh đạo, cán bộ BV đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, cùng các bị cáo thuộc Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát thực hiện nhiều sai phạm từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng vật tư…
Hậu quả, Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát trúng hàng loạt gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho BV Tim Hà Nội, qua đó gây thiệt hại hơn 53,6 tỉ đồng, là số tiền chênh lệch giữa giá thiết bị y tế trúng thầu với giá thị trường.
Cựu giám đốc thừa nhận cáo buộc
Trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn khai làm Giám đốc BV Tim Hà Nội từ năm 2012 – 2020. Ông Tuấn thừa nhận phần lớn các cáo buộc của viện kiểm sát, bao gồm việc quen biết lãnh đạo Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát.
Cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội thừa nhận có chủ trương cho doanh nghiệp ký gửi vật tư rồi hợp thức thanh toán sau, nhưng cho rằng chủ trương này đã có từ trước khi bị cáo được bổ nhiệm làm giám đốc.
Ông Tuấn cũng thừa nhận chỉ đạo cấp dưới tổ chức đấu thầu để mua vật tư theo nguyên tắc giá năm sau bằng hoặc thấp hơn năm trước. Các mặt hàng đấu thầu phần lớn có tính truyền thống, BV đã mua từ nhiều năm.
Theo lời ông Tuấn, bị cáo không biết việc chỉ định thầu cho Công ty CP đầu tư và định giá AIC (Công ty AIC) là đơn vị thẩm định giá, ông chỉ ký hoàn tất các thủ tục khi mọi thứ đã xong. Cựu giám đốc khai không được hưởng lợi gì từ hành vi vi phạm đấu thầu, ngoài khoản tiền bị cáo Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga, biếu vào các dịp tết, với tổng số 10.000 USD và chai rượu.
Vẫn theo cáo buộc của viện kiểm sát, theo chỉ đạo của ông Tuấn, BV Tim Hà Nội còn đề nghị các nhà thầu chi hỗ trợ cho BV từ 2 – 5% giá trị gói thầu; trong đó Công ty Hoàng Nga hằng năm hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty Kim Hòa Phát hằng năm hỗ trợ 60 triệu đồng; các khoản tiền này không được hạch toán vào sổ sách.
Khai trước tòa, ông Tuấn thừa nhận có giao bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu Phó giám đốc BV Tim Hà Nội, về việc huy động nguồn tài trợ cho một số hoạt động chung của BV, tuy nhiên đến nay thì không nhớ con số cụ thể là bao nhiêu.
Với vai trò giám đốc BV, bị cáo Tuấn nhận thức mình là người có trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra sai phạm. Đến nay, gia đình ông đã nộp hơn 6,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Nộp lại 15 tháng lương để khắc phục hậu quả
Cáo trạng xác định, để hợp thức đấu thầu nhằm thanh toán cho Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát, nhóm bị cáo tại BV Tim Hà Nội ký khống nhiều văn bản nhằm hợp thức chỉ định Công ty AIC làm đơn vị thẩm định giá. Nhân viên Công ty AIC thay vì khảo sát thực tế trên thị trường lại căn cứ vào các báo giá được cung cấp để phát hành chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu phía BV đưa ra.
Trước tòa, bị cáo Đoàn Trọng Bình, cựu Phó trưởng phòng Vật tư y tế (BV Tim Hà Nội), nói ban đầu không biết Công ty AIC là đơn vị nào, chỉ khi được cựu Phó giám đốc BV Tim Hà Nội Hoàng Thị Ngọc Hưởng giới thiệu thì mới biết, chỉ đạo nhân viên dưới quyền liên hệ, làm việc với công ty này.
Ông Bình thừa nhận các cán bộ BV có ký một số giấy tờ nhằm hợp thức việc chỉ định Công ty AIC, giữa công ty và BV có sự thỏa thuận về giá với nhau, để ban hành chứng thư thẩm định theo ý muốn. Vì lẽ đó, chứng thư được ban hành là sai, nhưng BV vẫn căn cứ vào đây để thực hiện mua sắm vật tư, dẫn tới thiệt hại.
Về trách nhiệm trong vụ án, bị cáo đồng tình với quy kết của viện kiểm sát khi cho rằng có vai trò đồng phạm, như vậy là không oan. Quá trình điều tra, ông Bình tự nguyện khắc phục 300 triệu đồng. Lý giải số tiền này, bị cáo cho hay nhận thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ nên “gửi lại tiền lương trong 15 tháng, tương đương 300 triệu đồng”, chứ đây không phải tiền do hưởng lợi bất chính mà có. Thực tế, khi triển khai các gói thầu, ông không hưởng lợi, cũng không được biếu xén gì.
Là người tiếp theo trả lời thẩm vấn, bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng thừa nhận việc giới thiệu Công ty AIC cho Phòng Vật tư y tế, tuy nhiên điều này xuất phát từ việc bà nhận thấy đây là công ty có uy tín, năng lực tốt.
Bà Hưởng cũng thừa nhận việc hợp thức chỉ định cho Công ty AIC và một số sai phạm trong quá trình đấu thầu, nhưng cho rằng sai phạm xuất phát từ việc BV ứng trước vật tư nên khi trả thì không thể cứ thế trả mà phải thông qua hoạt động đấu thầu. Lẽ ra, BV nên thanh toán dứt điểm rồi mới triển khai đấu thầu theo đúng giá thị trường, như thế sẽ không xảy ra vụ án.
Về phía Công ty AIC, các bị cáo tại công ty này đều thừa nhận việc ban hành chứng thư thẩm định giá không dựa trên kết quả khảo sát thị trường mà chỉ căn cứ vào tài liệu từ BV cung cấp. Bị cáo Trần Phú Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, nhận thức việc thẩm định “thiếu nhiều bước”, công ty chỉ được hưởng phí theo hợp đồng ký kết với BV, ngoài ra không hưởng lợi khoản nào khác.