Kết thúc phần xét hỏi, tòa chuyển sang phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án đối với 12 bị cáo.
Cựu giám đốc BV có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác
Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội, bị đề nghị 4 – 5 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Viện kiểm sát cáo buộc ông Tuấn “chủ mưu, giữ vai trò chính, là người quyết định, chỉ đạo”. Bị cáo là người có hiểu biết về pháp luật, chuyên môn và đấu thầu, nhưng vẫn để xảy ra sai phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội có tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên. Tuy nhiên, viện kiểm sát ghi nhận quá trình điều tra và tại toà, bị cáo đã thành khẩn khai báo, đặc biệt ăn năn hối cải, đã trả lại 10.000 USD do doanh nghiệp biếu và nộp 6 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Đại diện viện kiểm sát cũng nhấn mạnh, ông Tuấn có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, là Thầy thuốc Nhân dân, có đóng góp cho sự phát triển đất nước, cần được xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.
Cùng tội danh, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu Phó giám đốc BV Tim Hà Nội, bị đề nghị 30 – 36 tháng tù; Nguyễn Thị Dung Hạnh, cựu Kế toán trưởng BV Tim Hà Nội, bị đề nghị 24 – 30 tháng tù; Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, 2 cựu Phó trưởng Phòng Vật tư y tế BV Tim Hà Nội, lần lượt bị đề nghị 30 – 36 tháng tù và 36 – 42 tháng tù.
Về phía các nhà thầu, viện kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo như sau: Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Nga (Công ty Hoàng Nga), 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù; Phạm Thị Kim Oanh, vợ ông Đảng, cựu Kế toán trưởng Công ty Hoàng Nga, 24 – 30 tháng tù; Phạm Huy Lập, cha vợ ông Đảng, Giám đốc Công ty Hoàng Nga, 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phan Tuấn Đạt, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hoà Phát, 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về phía đơn vị thẩm định giá, các bị cáo Trần Phú Hưng và Nguyễn Hồng Dũng, 2 Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư và định giá AIC (Công ty AIC), lần lượt bị đề nghị 30 – 36 tháng tù và 24 – 30 tháng tù; Nguyễn Trung Dũng, nhân viên Công ty AIC, bị đề nghị 24 – 30 tháng tù.
Ngoài ông Tuấn, trong 11 bị cáo còn lại, viện kiểm sát đánh giá một số bị cáo làm việc theo nhiệm vụ, chịu sự chỉ đạo, không được hưởng lợi ích vật chất.
Thiệt hại trong vụ án là hơn 53,6 tỉ đồng, các bị cáo đã tích cực khắc phục tổng cộng 21 tỉ đồng, vì vậy phải liên đới bồi thường số thiệt hại còn lại là hơn 32,6 tỉ đồng.
Nhận trách nhiệm cao nhất
Cáo trạng xác định, với tư cách Chủ tịch Hội đồng mua sắm BV Tim Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn chủ trương cho một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát, được ký gửi vật tư để BV sử dụng trước, rồi hợp thức việc thanh toán bằng cách cho các doanh nghiệp trúng thầu.
Giai đoạn 2016 – 2017, BV Tim Hà Nội tổ chức 5 gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu số 5 năm 2016 tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi có trị giá trên 247 tỉ đồng, 4 gói thầu năm 2017 được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn trị giá gần 348 tỉ đồng.
Để hợp thức hồ sơ thầu, bị cáo Tuấn cùng các cựu lãnh đạo, cán bộ BV đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, cùng các bị cáo thuộc Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát thực hiện nhiều sai phạm từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng vật tư… Hậu quả, Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát trúng hàng loạt gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho BV Tim Hà Nội, qua đó gây thiệt hại hơn 53,6 tỉ đồng.
Tại phần xét hỏi, ông Tuấn thừa nhận phần lớn cáo buộc của viện kiểm sát. BV Tim Hà Nội có chủ trương cho doanh nghiệp ký gửi vật tư rồi hợp thức thanh toán sau, nhưng chủ trương này đã có từ trước khi bị cáo Tuấn được bổ nhiệm làm giám đốc. Hơn thế, các mặt hàng đấu thầu phần lớn có tính truyền thống, BV đã mua từ nhiều năm, vì vậy bị cáo Tuấn chỉ đạo cấp dưới tổ chức đấu thầu để mua vật tư theo nguyên tắc giá năm sau bằng hoặc thấp hơn năm trước.
Phân trần việc chỉ định 4 gói thầu năm 2017, cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, thời điểm này, Hà Nội chủ trương đấu thầu tập trung nhưng diễn ra rất chậm. Về nguyên tắc, vật tư dùng cho năm 2017 phải được đấu thầu xong trong quý 1, nhưng thực tế đến mãi cuối năm mới có kết quả đấu thầu.
“Nếu đợi kết quả đấu thầu tập trung thì cả năm 2017 BV coi như không có vật tư phục vụ bệnh nhân, như vậy sẽ phải đóng cửa. Từ đó, BV mới có chủ trương vay trước của 2 công ty nhằm phục vụ bệnh nhân”, bị cáo Tuấn khai.
Bị cáo Tuấn nhiều lần khẳng định không tư lợi, ngoài việc được bị cáo Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga, biếu vào các dịp tết, với tổng số 10.000 USD và chai rượu. Với vai trò đứng đầu BV, bị cáo Tuấn nhận thức mình là người có trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra sai phạm. Đến nay, gia đình bị cáo đã nộp hơn 6,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Ngoài ông Tuấn, nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ BV Tim Hà Nội cũng đều thừa nhận việc hợp thức hóa hồ sơ từ khâu lập báo giá, chọn đơn vị thẩm định giá, lập hồ sơ đấu thầu, chấm thầu, thực hiện hợp đồng… Nhóm bị cáo này khai, thực hiện theo phân công của cấp trên và bị cáo Tuấn, không được hưởng lợi ích vật chất.