NHẬN 100 - 300 TRIỆU ĐỒNG ĐỂ LÀM SAI
Hôm qua, tại tòa, 7 bị cáo trong nhóm các công ty thẩm định giá có hành vi phạm tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện khoản vay, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, các bị cáo tại SCB trực tiếp hoặc qua trung gian liên hệ với công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, mức giá cần thẩm định, ấn định ngày phát hành chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của SCB.
Các công ty thẩm định giá và cá nhân môi giới, trung gian biết rõ mục đích của việc phát hành chứng thư được sử dụng để vay vốn, nhưng quá trình thực hiện đã không tuân thủ quy định của pháp luật, không tiến hành thẩm định giá mà chỉ ký phát hành chứng thư theo yêu cầu của SCB; không tuân thủ đúng quy trình, quy định về định giá; các tài sản chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn thẩm định giá theo yêu cầu của SCB.
Theo nội dung chứng thư, định giá theo yêu cầu của khách hàng là người vay vốn, nhưng trên thực tế SCB lại tổ chức thuê thẩm định giá và trả tiền thẩm định giá, có 3 công ty không ký hợp đồng định giá mà chỉ ký phát hành chứng thư và nhận phí thanh toán bằng tiền mặt. Như vậy, thẩm định viên của các công ty thẩm định giá đã thông đồng qua trung gian hoặc trực tiếp với cá nhân tại SCB để hợp thức thủ tục hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 127.000 tỉ đồng.
Trong vụ án này, có 5 công ty thẩm định giá có lãnh đạo, hoặc thẩm định viên bị xét xử, gồm: Công ty thẩm định giá Thiên Phú (do bị cáo Trần Văn Nhị - Phó giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC chi nhánh TP.HCM đứng ra môi giới cho SCB). Sau khi vụ án Trương Thị Mỹ Lan bị khởi tố, cựu Tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Thiên Phú Trần Thị Kim Ngân, và thẩm định viên Trần Tuấn Hải cũng bị khởi tố vì thẩm định không đúng 2 dự án của Trương Mỹ Lan, từ đó nhận 300 triệu đồng phí thẩm định.
Ngoài ra, bị cáo Hồ Bình Minh (cựu Phó giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD), Lê Huy Khánh (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới), Đỗ Xuân Nam (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Dịch vụ Bất động sản DATC), Lê Kiều Trang (cựu Phó giám đốc Công ty CP Thẩm định giá EXIM) cũng bị xét xử khi cung cấp chứng thư thẩm định không đúng, nâng khống giá trị tài sản, ghi lùi ngày…
Các bị cáo thuộc công ty thẩm định giá đều đưa ra lý do dẫn đến sai phạm. Chẳng hạn, bị cáo Nam "muốn tạo thân với SCB để có công ăn việc làm cho công ty nên đồng ý làm. Phí thẩm định là 100 triệu đồng nhưng đến nay Công ty DATC vẫn chưa nhận được"; hay bị cáo Khánh nói rằng "công ty mới hoạt động, qua 2 năm dịch không có việc làm. Vì tồn tại của công ty nên bất chấp nhận làm để có phí trang trải cho công ty". Các bị cáo tại công ty thẩm định giá khẳng định không hưởng lợi, chỉ lấy phí thẩm định từ 100 - 300 triệu đồng.
'SUỐT THỜI GIAN THANH TRA KHÔNG NHẬN MÓN QUÀ NÀO'
Trong ngày 8.3, nhóm 17 bị cáo thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận tiền từ 20 triệu đồng đến 5,2 triệu USD của bị cáo Trương Mỹ Lan và SCB để bưng bít sai phạm cũng như nhóm 3 bị cáo "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cũng được HĐXX thẩm vấn xong.
Đối với hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) - NHNN), tại tòa, bị cáo này thừa nhận đã lấy số tiền trên trong 4 lần từ cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn và cựu Chủ tịch HĐQT SCB Đinh Văn Thành (đang bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt). Mỗi lần bị cáo Văn đưa tiền, đều nói do Trương Mỹ Lan gửi cảm ơn vì "đã hỗ trợ SCB" trong quá trình thanh tra.
Bị cáo Nhàn trình bày việc nhận tiền này không hề có sự thỏa thuận, bàn bạc. Bị cáo khai suốt thời gian thanh tra đến khi có quyết định đều không nhận bất kỳ món quà nào. Sau khi hoàn thành kết quả thanh tra, bị cáo Văn đưa tiền, bị cáo Nhàn từ chối thì Văn nói "đừng làm khó chính mình". Vì thế, bị cáo Nhàn nhận tiền nhưng chưa sử dụng tiền.
Theo bị cáo Nhàn, khi cơ quan chức năng bắt giữ bị cáo Văn, bị cáo định đem tiền đi trả lại nhưng do mẹ mất nên chưa kịp trả. Hai ngày sau khi mẹ mất, bà Nhàn bị bắt. "Tại Cơ quan điều tra, bị cáo tự nguyện viết đơn nói tiền để ở đâu, nhằm thu hồi về", bị cáo Nhàn khai.
Đối với hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", của 16 bị cáo thuộc NHNN nhận tiền ít nhất là 100 triệu đồng, và nhiều nhất là 390.000 USD (cựu Phó chánh thanh tra NHNN Nguyễn Văn Hưng), các bị cáo này đều thừa nhận hành vi nhận tiền để làm trái chức trách, nhiệm vụ, không báo cáo đúng thực trạng tài chính của SCB dẫn đến thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho SCB.
Nhóm 3 bị cáo "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", gồm cựu Trưởng ban kiểm soát SCB Phạm Thu Phong, và Lưu Quốc Thắng, Nguyễn Văn Du (cựu quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN) bày tỏ mong HĐXX đánh giá vai trò để có mức án phù hợp. Bị cáo Du là bị cáo duy nhất thuộc NHNN không nhận tiền của SCB, vì tin tưởng cấp dưới nên thiếu kiểm tra chặt chẽ trước khi ký Kết luận thanh tra số 3959 năm 2018, không phát hiện các sai phạm của SCB thông qua kết quả thanh tra, gây thiệt hại cho SCB.
Dự kiến ngày 11.3, HĐXX sẽ tiến hành thẩm vấn các bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.
Chồng Trương Mỹ Lan khai ký theo chỉ đạo của vợ
Năm 2012, để lập hồ sơ vay vốn tại SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB, Trương Mỹ Lan đã trao đổi, thống nhất với chồng là bị cáo Chu Lập Cơ (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square Việt Nam) và lãnh đạo SCB về việc sử dụng tài sản dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay.
Thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ đã ký nhiều biên bản họp đại hội đồng cổ đông chấp thuận thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do vợ mình chỉ định. Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty CP đầu tư Times Square Việt Nam lập các hồ sơ vay vốn "khống"; nhờ người đứng tên các khoản vay và ký "khống" hồ sơ, thủ tục vay vốn, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.000 tỉ đồng. Đến nay, bị cáo Chu Lập Cơ đã nộp khắc phục 1 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận đã ký một vài biên bản để thế chấp tài sản nhằm giúp SCB vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, Chu Lập Cơ cho rằng các văn bản này bằng tiếng Việt nhưng bị cáo thì không biết tiếng Việt. Chu Lập Cơ thừa nhận, ký các văn bản này theo yêu cầu của vợ là Trương Mỹ Lan.
Được hỏi "Ông có suy nghĩ gì khi đến ngày 7.10.2022, các khoản vay này đã gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỉ đồng?", bị cáo Chu Lập Cơ trình bày: "Bị cáo nghĩ việc ký các biên bản này để bảo lãnh các khoản vay để tái cấu trúc SCB vượt qua khó khăn. Bị cáo không nhận thức được sự khác biệt. Bị cáo biết ký như thế này là vi phạm. Sau việc làm này, bị cáo đã trở thành tội phạm, xảy ra những hậu quả này. Bây giờ, bị cáo biết được hành vi của mình".