Theo báo cáo triển vọng quý 4/2023 của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố, kinh tế Việt Nam đang cho thấy sự phục hồi tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. Báo cáo triển vọng kinh tế duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 5% khi các kết quả vĩ mô phục hồi như kỳ vọng.
Các chuyên gia KBSV phân tích có 6 yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong quý 4/2023 của Việt Nam:
Thứ nhất, xuất khẩu phục hồi tích cực. Theo KBSV, hoạt động xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023 chứng kiến sự suy giảm trong lĩnh vực này kéo theo hoạt động sản xuất trong nước bị trì trệ, chủ yếu do nhu cầu suy yếu tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 259,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ.
Dù vậy KBSV cho rằng sự suy giảm này một phần do mức nền xuất khẩu cao trong năm ngoái khi các nước mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.
“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trở lại trong quý 4 nhờ các yếu tố hỗ trợ cả trong và ngoài nước, bao gồm: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng khả quan hơn dự báo; yếu tố mùa cao điểm tiêu dùng vào cuối năm khi có nhiều dịp lễ tết tại cả 3 thị trường Mỹ, Trung Quốc và EU. Bên cạnh đó, tăng trưởng giá trị hàng tồn kho bán lẻ tại Mỹ chạm đáy, kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại kéo theo sự ấm lên của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này. Đồng thời, tỷ giá tăng sẽ khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam rẻ hơn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu USD được hưởng lợi từ khía cạnh ghi nhận doanh thu, lợi nhuận bằng VND”, KBSV phân tích.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực qua từng tháng. Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi theo tín hiệu tích cực từ xuất khẩu. Chỉ số IIP quý 3 đạt mức 3,5% so với cùng kỳ sau 2 quý đầu năm tăng trưởng âm. Các ngành công nghiệp chủ lực đều chuyển biến tích cực qua từng tháng, trong đó chế biến, chế tạo tháng 9 tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Thứ ba, đầu tư công được đẩy mạnh vào giai đoạn cuối năm. Theo các chuyên gia tại đây, đầu tư công tiếp tục được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn.
Theo Tổng cục thống kê, vốn đầu tư công thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt 415,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ và bằng 57,4% kế hoạch Chính phủ giao. Tiến độ giải ngân được đánh giá là khá tích cực khi vẫn tiếp tục đà tăng qua từng tháng.
“Nếu tốc độ này tiếp tục được duy trì, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ giải ngân năm 2023 có khả năng sẽ tương đương năm 2022 ở mức 85% so với kế hoạch, tức là trong quý cuối trung bình giải ngân khoảng 67.000-70.000 tỷ đồng mỗi tháng”, KBSV kỳ vọng.
Những động lực tăng trưởng chính quý cuối năm 2023 ảnh 3
Thứ tư, kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam. Các chuyên gia tại đây phân tích, với nhiều dự án quy mô lớn được đăng ký mới cũng như vốn đầu tư tăng thêm liên tục được cấp chứng nhận, tổng vốn FDI đăng ký của Việt Nam trong trong 9 tháng năm 2023 đã đạt mức 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI giải ngân 9 tháng tăng 2,2% so với cùng kỳ, đạt 15,91 tỷ USD – mức cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2017-2023.
Hơn nữa, việc duy trì sự gia tăng trong số lượng dự án cũng cho thấy các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam đang dần hồi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Theo đó, chúng tôi cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và có thể vượt qua kết quả của năm 2022, nhờ vào những yếu tố hỗ trợ cả trong và ngoài nước”, KBSV nhận định.
Những động lực tăng trưởng chính quý cuối năm 2023 ảnh 4
Thứ năm, bán lẻ, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ du lịch và các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ tiếp tục sôi động.
Trong 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 8,9 triệu lượt người. Khả năng cao trong năm nay, ngành du lịch sẽ đạt và thậm chí vượt mục tiêu 110 triệu lượt khách du lịch, với tổng thu dự kiến khoảng 650 nghìn tỷ đồng, trực tiếp đóng góp khoảng 6,4% GDP cả năm.
Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ và NHNN (như giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản, hạ lãi suất điều hành…) sẽ thẩm thấu và phát huy tác dụng vào thời điểm quý 4 năm 2023. Nhờ đó, lĩnh vực bán lẻ được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn và trở thành một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ sáu, nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế
Theo phân tích của KBSV, Chính phủ đang không ngừng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng bằng các biện pháp tài khóa: giảm một số loại thuế, phí; tăng lương cơ bản; thông tư hỗ trợ thị trường bất động sản, TPDN…
Bên cạnh đó, việc NHNN duy trì nới lỏng tiền tệ đã làm cho lãi suất huy động và cho vay hạ nhiệt tương đối so với thời điểm đầu năm.
“Với việc tác động từ chính sách tiền tệ và tài khoá thường có độ trễ, chúng tôi kỳ vọng quý 4 sẽ là thời điểm nền kinh tế phản ánh rõ nét hơn so với các quý trước các ảnh hưởng tích cực của các chính sách hỗ trợ”, chuyên gia nhận định.
Báo cáo của KBSV cũng đề cập, một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại trong quý cuối năm. Mặc dù vậy, với mức tăng rất thấp trong nửa đầu năm, đội ngũ phân tích kỳ vọng lạm phát cả năm 2023 vẫn sẽ được kiểm soát tốt ở mức thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra, khoảng 3,6% so với cùng kỳ.