Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ngày 19/10/2023 tại TP.HCM.
Tiếp tục lắng nghe góp ý về đề án…
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trong thời gian qua, TP đã phối hợp với các cơ quan cùng nghiên cứu xây dựng đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ rất kỹ lưỡng. Và Dự thảo đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã trình Thủ tướng vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, hiện TP.HCM vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến để có một góc nhìn đầy đủ, thấu đáo trước khi quyết định cuối cùng.
Cũng theo ông Mãi, chúng ta nghiên cứu cảng Cần Giờ hay bất cứ dự án nào cũng đều hướng đến mục tiêu phát triển không chỉ cho TP.HCM, mà cả khu vực phía Nam.
“Chúng ta lựa chọn là phát triển bền vững, không đánh đổi bằng mọi giá, mà cân nhắc rất hài hòa lợi ích kinh tế – xã hội và các vấn đề về môi trường”, ông Mãi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Mãi cũng lưu ý rằng có một số vấn đề cần phải làm rõ hơn. Trong đó, vấn đề đầu tiên là tác động xung đột giữa cảng Cần Giờ và các cảng khác; hạ tầng phục vụ bến cảng, đặc biệt là câu chuyện kết nối hạ tầng. Và vấn đề cuối cùng cũng là mối quan tâm của mọi người là sự tác động thế nào đến khu dự trữ sinh quyển.
Do đó, ông Mãi đề nghị các nghiên cứu “cần tránh hai xu hướng là muốn làm cảng bằng mọi giá mà bỏ qua các tác động. Và ngược lại vì lo ảnh hưởng khu sinh quyển mà không dám làm gì…”.
Song, mấu chốt và lưu ý quan trọng được Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tại hội nghị vì đây là vấn đề lớn, do đó, hội nghị lần này trên tinh thần lấy ý kiến thẳng thắn.
“Chúng ta cân nhắc hết mọi lẽ để trả lời hết tất cả mọi vấn đề để lựa chọn. Khi chúng ta chọn để yên hay làm dự án đều có sự đánh đổi. Nhưng sự đánh đổi đó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để hướng đến mục tiêu: lợi ích cao nhất, tác động ít nhất”, ông Mãi nói.
Góp ý kiến tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho rằng, khi mới nghe ý tưởng xây dựng cảng Cần Giờ đã rất phân vân, vì hệ thống cảng biển tại Việt Nam đã gần như hoàn chỉnh. Công trình lại làm ở Cần Giờ, nên lo ngại ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Tuy nhiên, khi tiếp cận sâu hơn các nghiên cứu thì thực sự ủng hộ vì dự án không phạm vào hai vấn đề trên. Hiện tại cảng Cần Giờ mới đang ở giai đoạn xin chủ trương, bổ sung quy hoạch. Có thể nói, chặng đường tiếp theo để hình thành dự án còn rất dài. Vì vậy, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần tiếp cận theo hướng nâng tầm các cụm cảng lớn trong khu vực. Do đớ, khi cảng Cần Giờ khi hình thành sẽ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh cảng Cái Mép, mà cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển cho toàn vùng. Hai công trình này sẽ hỗ trợ nhau, nâng tầm cảng biển quốc gia và cạnh tranh được với thế giới.
… và cần sự cam kết rõ ràng để tránh rủi ro
Tương tự, TS Trần Đình Thiên – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm, việc đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cơ hội lịch sử của đất nước. Dự báo trong hai ba năm tới luồng hàng hải có thể sẽ thay đổi. Bởi vậy, các hãng tàu đã nhìn ra vấn đề này nên họ mới chọn cảng Cần Giờ để bỏ tiền đầu tư.
“Với thiên thời, địa lợi cùng với nhà đầu tư chiến lược quan tâm, chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt. Hãng tàu đã đề xuất lâu rồi mà quy trình chỗ ta còn lề mề. Đây là dự án mở ra cơ hội lịch sử, cơ hội vàng, vì vậy thủ tục triển khai phải nhanh hơn, để tránh tuột mất”, ông Thiên nói.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng lưu ý, trong 10 cảng biển lớn nhất thế giới hiện có 9 cảng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, tập trung ở Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc. Trong khoảng không chật hẹp đó, nếu Việt Nam có thêm cảng Cần Giờ thì cơ hội ra sao cũng cần phải tính toán kỹ. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định với cảng trung chuyển chính là hãng tàu đưa hàng về nên cần sự cam kết rõ từ hãng tàu đề xuất dự án để tránh rủi ro có thể xảy ra sau này.
Góp ý thêm về quá trình triển khai, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài – nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, trong quá trình thực hiện, các đề xuất của TP.HCM cần đưa ra phân tích, đánh giá lợi ích về chi phí theo thông lệ quốc tế. Bởi, theo ông Hoài, tại nhiều quốc gia, họ dùng cách này để ước lượng, đưa ra con số thuyết minh với xã hội rằng lợi ích lớn hơn chi phí bao gồm cả những vấn đề về tác động môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị tư vấn mới dừng lại ở phân tích kỹ thuật, các xung đột về kinh tế, văn hóa khi hình thành cảng chưa được làm rõ. Vì vậy, chúng ta phải tìm đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá cho vấn đề này. Căn cứ từ những vấn đề đó để TP và Trung ương đồng thuận ra quyết định về triển khai dự án.
Tiếp nhận các ý kiến góp ý, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, nhấn mạnh: “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nếu thành công sẽ đưa Việt Nam vào mạng lưới vận tải biển toàn cầu, ghi tên vào bản đồ thế giới. Do đó, về công việc sắp tới Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải TP.HCM và đơn vị tư vấn phải hoàn thiện hồ sơ, cố gắng để hoàn thiện đề án trong tháng 10/2023 để đề án tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ vào ngày 20/11/2023.
Cảng biển Cần Giờ được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi, thuộc cửa sông Cái Mép, vốn đầu tư khoảng 5,45 tỷ USD. Công trình dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 teus) do Tập đoàn MSC – hãng tàu container đứng tốp đầu thế giới đề xuất. Việc triển khai công trình đang được nghiên cứu theo 7 giai đoạn. Dự kiến, Giai đoạn đầu xong năm 2027, và hoàn thành toàn bộ dự án dự kiến sẽ vào cuối năm 2045. |