Các tổ chức tài chính ở Phố Wall đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Riêng JPMorgan thực hiện sáu lần điều chỉnh kể từ tháng Giêng.
Ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan gần đây nhất đã cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc trong tháng 7 xuống còn 5%, giảm từ mức 5,5% trước đó.
Động thái này cũng tương tự với Citi và Morgan Stanley. Hai tổ chức tài chính này cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc xuống 5%.
Dự đoán trung bình của sáu tổ chức lớn được CNBC thống kê tại thời điểm hiện tại cho thấy, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng vào khoảng 5,1%. Con số này gần với mục tiêu “khoảng 5%” mà chính phủ Trung Quốc đã đưa ra tháng Ba.
Dự báo mới nhất của Citi đánh dấu sự thay đổi thứ tư của tập đoàn này trong năm nay về kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, Morgan Stanley chỉ điều chỉnh dự báo một lần kể từ nhận định vào tháng Giêng.
Cũng trong hơn 6 tháng qua, Nomura đã thay đổi dự báo bốn lần, trong khi UBS điều chỉnh ba lần và Goldman Sachs thay đổi dự báo hai lần.
Các ngân hàng đầu tư hầu hết đưa ra dự báo cao hơn vào đầu năm nay sau sự phục hồi ban đầu của kinh tế Trung Quốc khi các lệnh kiểm soát COVID-19 được dỡ bỏ hoàn toàn.
Các đợt hạ dự báo tăng trưởng mới nhất diễn ra khi dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy tốc độ phục hồi chậm lại của kinh tế Trung Quốc và các cơ quản quản lý chưa cho thấy dấu hiệu về một gói kích thích kinh tế quy mô lớn. GDP quý hai của nền kinh tế thế giới ở 6,3%, thấp hơn mức tăng trưởng 7,3% mà Reuters khảo sát trước đó.
Ty lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 16 – 24 ở Trung Quốc tiếp tục tăng cao kỷ lục, ở mức 21,3%.
Cũng theo số liệu chính thức, bán lẻ tháng 6 chỉ tăng 3,1%, giảm mạnh so với con số 12,7% của tháng 5. Sức cầu tiêu dùng yếu đang gây lo ngại về nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế khi lạm phát của nước này đang tiến sát 0%. Trong khi xuất khẩu Trung Quốc giảm sâu nhất 3 năm.
Cuối cùng là con số thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 16 – 24 tiếp tục tăng cao kỷ lục, ở mức 21,3%.
Tờ Nikkei Asia đánh giá, khó khăn tại thị trường bất động sản là một trong những yếu tố khiến đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
Cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy gần 60% số người được hỏi ủng hộ việc gửi thêm tiền vào tiền gửi tiết kiệm.
Mức tiêu dùng của các hộ gia đình trong nửa tháng 1 đến tháng 6 dao động quanh mức 60% thu nhập, giảm so với mức 65% hoặc hơn trước COVID, cho thấy sự chuyển hướng sang tiết kiệm nhiều hơn của người dân.
Các chuyên gia cho rằng, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại, trong bối cảnh Bắc Kinh đến nay vẫn do dự về phương án đưa ra gói kích thích quy mô lớn hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc chủ yếu hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chính sách tiền tệ.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...