Nếu được áp dụng, đây là mô hình kinh tế mẫu tạo sự đột biến cho nền kinh tế.
Ngày 08/7/2023, Tập đoàn Joton đã tổ chức lễ ký kết với Công ty tư vấn CT-Strategies Hoa Kỳ về Hợp đồng nghiên cứu tính khả thi thành lập Khu Thương mại tự do của Tập đoàn Joton tại huyện Tiên Lãng. Đây được xem là dự án thí điểm mô hình Khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam.
Trợ lực cho cảng biển
Theo ông Trần Thanh Hải – Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Khu thương mại tự do không chỉ giải quyết vấn đề “khó chịu” nhất về mặt thuế quan và biện pháp quản lý thương mại như giấy phép, hạn ngạch, kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… Trong các khu thương mại tự do, các loại hàng rào kể trên được xóa bỏ, hoặc giảm tối đa.
Trong Khu thương mại tự do, hàng hóa của nước ngoài có thể đem đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công mà không chịu thuế xuất nhập khẩu. Sau đó, hàng hóa này có thể nhập khẩu vào nước sở tại, hoặc xuất đi các nước khác. Do đó, xét về mặt vị trí, Khu thương mại tự do sẽ có “đất diễn” tốt nhất khi cận kề khu vực cảng biển, bởi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được tập kết chủ yếu tại đây. Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, Việt Nam cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng. Chính vì yếu tố này, Hải Phòng được xem là địa phương lý tưởng cho mô hình thí điểm này.
Cảng và Khu thương mại tự do là sự cộng sinh, cộng hưởng lẫn nhau. Khi đầu tư vào Khu thương mại tự do, các doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích như: không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; làm bàn đạp để tiếp cận thị trường; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; kết nối với các doanh nghiệp khác trong và xung quanh Khu thương mại. Khu thương mại tự do cũng giúp quốc gia sở tại hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, Việt Nam cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng.
Ngoài vị trí được khảo sát tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng còn có thể xây dựng Khu thương mại tự do ở Đình Vũ – Cát Hải. “Địa hình tự nhiên ở đây tạo ra một bán đảo khá độc lập với phần còn lại của thành phố. Đây cũng là khu vực tập trung rất nhiều bến cảng, là yếu tố thuận lợi hàng đầu cho một khu thương mại tự do. Hơn thế nữa, khu vực này hiện nay chủ yếu chỉ có các trung tâm logistics, một số nhà máy, cơ sở chế biến, không có nhà dân nên việc quy hoạch thành khu thương mại tự do càng dễ dàng. Chỉ cần đặt trạm kiểm soát hải quan ở bùng binh ngã ba Đình Vũ và đầu cầu Tân Vũ là đủ, khi đó toàn bộ bán đảo Đình Vũ và Cát Hải sẽ như một kho ngoại quan khổng lồ, hàng hóa đưa xuống các kho, bãi ở đây chưa phải đóng thuế, có thể tiếp tục chế biến, lắp ráp, chia tách để đưa tiếp đi nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam” – ông Trần Thanh Hải nhận định.
Cần mô hình thí điểm
Trước đó, năm 2021 Hải Phòng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố, Chính phủ dự kiến quy định việc hình thành Khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Tuy nhiên, trước khi trình Quốc hội phê chuẩn, đề xuất này sau đó được rút ra khỏi dự thảo để “nghiên cứu kỹ hơn”.
Nguyên nhân chính được cho rằng, Khu thương mại tự do không chỉ dừng lại ở cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ ở địa phương mà còn gắn với việc xây dựng các thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi rộng. Chính sách áp dụng cho khu thương mại tự dó có thể sẽ vượt lên một số quy định hiện hành trong các Luật: Tổ chức chính quyền địa phương, Quy hoạch, Đầu tư, Xây dựng, Ngân sách nhà nước…Thậm chí, ông Lê Thanh Vân – Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Được biết, định hướng mô hình phát triển của khu thương mại tự do Joton là tổ hợp kết nối với cảng quốc tế và sân bay Tiên Lãng; cửa ngõ kết nối đường sắt quốc gia đến Trung Quốc, Lào, Thái Lan… và tổ hợp chuyên dụng riêng cho một số tập đoàn điện tử lớn như: Samsung, LG, Sony, Canon, Intel… Các hoạt động chính trong khu thương mại tự do gồm: Tập trung sản xuất thiết bị kỹ thuật cao các ngành: y tế, xây dựng, vật liệu mới, sản phẩm bán dẫn – chip, bo mạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ; chuyển phát nhanh hàng hóa quốc tế đường hàng không; trung chuyển quá cảnh hàng hóa quốc tế đường biển…
Việc thành lập Khu Thương mại tự do tại huyện Tiên Lãng sẽ góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài từ ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vào Hải Phòng, kết nối nền kinh tế của thành phố với chuỗi cung ứng toàn cầu; đóng góp vào phát triển kinh tế, nền công nghiệp, nông nghiệp chuyên sâu; gia tăng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp của Hải Phòng, tạo cơ hội việc làm chất lượng cao,…Nếu được hình thành và đi vào hoạt động, đây là mô hình kinh tế mẫu có thể triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương cả nước.