Phát biểu khai mạc Hội thảo “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước” trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – Vai trò của Kiểm toán nhà nước”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Doãn Anh Thơ khẳng định, đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong từng thời kỳ kế hoạch.
Hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nguồn vốn đầu tư công trong thời gian qua đã được tập trung đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, công trình thiết yếu của nền kinh tế, các công trình giao thông then chốt và đã mang lại nhiều kết quả, tạo tác động tích cực, lan tỏa góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mang lại kết tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
“Qua đó, đầu tư công đã và đang tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư; việc triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng, có tác động lan tỏa tích cực đến sự phát triển của các ngành, các doanh nghiệp”, ông Doãn Anh Thơ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, không thể phủ nhận thời gian gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid, hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam còn có những hạn chế.
Cụ thể, đầu tư công một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn dàn trải, hoàn thành các dự án đầu tư chưa kịp thời so với mục tiêu đề ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đâu đó còn có trường hợp thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới các yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP (như tiêu dùng, đầu tư tư nhân, xuất khẩu ròng), đầu tư công đang được xác định là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì những hạn chế trên cần phải sớm khắc phục, đặc biệt tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng đã kéo dài nhiều năm qua.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua thực tiễn kiểm toán cho thấy, nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch rất đa dạng. Mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi dự án đều có những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật đầu tư công với Luật NSNN cũng như các pháp luật chuyên ngành, pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp; công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập; đặc thù riêng của từng năm kế hoạch, từng nguồn vốn, từng dự đầu tư.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường, thiếu hiệu quả,…
Theo ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành IV năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 69,07% (đạt 79,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 70,96% kế hoạch giao; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 34,47% kế hoạch giao.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% (đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 52,33% kế hoạch giao; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 28,37% kế hoạch giao.
“Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, nguy cơ gây lãng phí, đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư, làm ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển” – ông Vũ Thanh Hải đánh giá.
Theo ông Vũ Thanh Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân khách quan là thủ tục dự án mất nhiều thời gian; việc điều hòa vốn giữa Chương trình phục hồi và Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được thực hiện thống nhất; vướng mắc về giá cả, nguồn cung vật liệu…
Về nguyên nhân chủ quan, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn một số tồn tại, bất cập, chưa phù hợp với thực tế nên phải điều chỉnh làm kéo dài thời gian thực hiện. Việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch,…
Giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.
Từ những phân tích, đánh giá trên, đại diện KTNN đã đề xuất những giải pháp cần được thực hiện đồng bộ để khắc phục những “nút thắt” này trong triển khai đầu tư công.
Theo bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, động lực tăng trưởng về xuất khẩu, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2023 chưa thể lấy lại mức tăng như kỳ vọng, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ quan, tồn tại cố hữu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
“Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần điều chỉnh ngay các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư công, giảm thủ tục hành chính cấp phép nguyên vật liệu, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, rút vốn nhà tài trợ… trong việc triển khai dự án để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho đất nước”, bà Cao Thị Minh Nghĩa đề xuất.
Theo đó, kiến nghị một số nhóm giải pháp. Cụ thể, thứ nhất về thể chế nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công tác phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công.
Yêu cầu các bộ quản lý ngành (Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính) theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về xây dựng, tài nguyên, đất đai, quản lý, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công, quy trình thủ tục rút vốn nước ngoài bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời. Đồng thời, chỉ còn khoảng gần 03 tháng nữa là Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực.
Do đó, để Luật đi vào cuộc sống, giải quyết ngay được những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu của các dự án đầu tư công, các văn bản hướng dẫn những nội dung giao Chính phủ quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần ban hành kịp thời, có chất lượng; song song với đó cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Đấu thầu và các Nghị định hướng dẫn đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu, các tổ chức tư vấn đấu thầu,…;
Thứ hai, nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp, xác định các nhiệm vụ cụ thể từng bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm, trong đó, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến thủ tục thẩm định dự án, thanh toán vốn….
Theo bà Cao Thị Minh Nghĩa, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phân công trong đội ngũ lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp đối với một số dự án trọng điểm, có tỷ lệ giải ngân thấp của ngành, đơn vị, địa phương mình; chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Đồng thời, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ ngay từ đầu năm để bảo đảm an toàn và tiến độ thi công công trình.
Trong đó việc cần làm ngay là tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương trong việc cung ứng, cấp phép mỏ nguyên vật liệu phục vụ dự án đầu tư công.
Thứ ba, nhóm giải pháp về nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách. Người đứng đầu từng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin – cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả, thiết thực (thay đổi tư duy có vốn về mới làm công tác chuẩn bị đầu tư); xử lý ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý, không chờ đợi; nêu rõ vướng mắc ở đâu, thuộc trách nhiệm của ai, không nói chung chung.
Thứ tư, nhóm giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, các cơ quan chuyên môn về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát cần vào cuộc để góp phần phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả; Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu quốc hội tại địa phương có trách nhiệm tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương mình; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác giám sát giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, nhóm giải pháp về chế tài, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân của đơn vị và kết quả giải ngân vốn là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm.