Từ chính quyền số tới kinh tế số
Trên thực tế, hiện nay, 100% các cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử ký số, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 98%; trong đó, tổng số chứng thư số chuyên dùng Ban cơ yêu Chính phủ đã cấp phát cho tỉnh Điện Biên là trên 4.200 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân và 252 chữ ký số SIM PKI.
Bên cạnh đó, 100% cán bộ, công chức của tỉnh được cấp tài khoản thư điện tử công vụ và có tài khoản cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Đáng chú ý, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến một phần, toàn trình (Chiếm tỷ lệ 65,7% tổng số TTHC) và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến tháng 9/2023, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã thực hiện tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hơn 94.000 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 99%; số hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt trên 70%.
Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh cũng đang được xây dựng, trong đó đã xây dựng xong CSDL dùng chung về quản lý cán bộ trên địa bàn toàn tỉnh và CSDL dùng chung ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 1.200 doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 27 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin; 16 doanh nghiệp nền tảng số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 70,2%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx (Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên cổng SMEdx https://smedx.mic.gov.vn) đạt 68,6%. Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 0,36% (5 doanh nghiệp). Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã có 493 sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 42 sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã xác định chuyển đổi số là cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới do đó đã triển khai các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành. Trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành những doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, logistic; thương mại; các nhà hàng, khách sạn, du lịch… hoạt động theo phương thức mới dựa trên kết nối công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Thực tế cho thấy, kinh tế số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 ước tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Ðiện Biên đạt 9,46%.
Hoàn thiện hạ tầng số
Ðiện Biên phấn đấu đến hết năm 2023 có trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, dùng thử các nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp; trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh như: Smart DienBien; dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số công cộng…
Ông Lê Thành Đô cho biết: Trong thời gian tới, Điện Biên tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và nhiệm vụ tại Kế hoạch số 1884/KH-BCĐ ngày 08/5/2022 của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số năm 2023.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả, ý nghĩa thiết thực các hoạt động, sự kiện, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm hay về mô hình chuyển đổi số.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án: Xây dựng nền tảng công nghệ thành phố thông minh; Xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thông mạng của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; Xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Điện Biên (Gồm hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh) và các dự án phục vụ chuyển đối số khác của tỉnh.
Triển khai hiệu quả hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng; tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình thúc đầy phát triến và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
“Điện Biên sẽ thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thực hiện thông suốt, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, đồng thời giảm giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại các thôn/bản chưa có dịch vụ, có chương trình hỗ trợ thiết bị thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ hành chính công thiết yếu do Nhà nước cung cấp.”- ông Lê Thành Đô chia sẻ.