Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 16,52 tỷ USD, tăng 5,04% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu sang EU chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%. Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chịu nhiều ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, chỉ đạt 3,843 tỷ USD, giảm 14,1% so với năm 2022.
Nửa đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan, thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam thuộc khối này ghi nhận phục hồi mạnh nhất, mang về xấp xỉ 565,29 triệu USD, tăng 19,97% so với cùng kỳ, chiếm 29,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may sang Séc mặc dù kim ngạch không cao, chỉ đạt gần 14,52 triệu USD nhưng so với cùng kỳ năm 2023 tăng rất mạnh 48,98%. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Slovakia cũng tăng mạnh 55,32%, đạt trên 2,39 triệu USD, xuất khẩu sang Luxembourg tăng 24,76%, đạt trên 1,74 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh ở các thị trường, như Áo giảm 32,37%, đạt gần 4,17 triệu USD, Hungary giảm 31,21%, đạt trên 0,57 triệu USD. Đức là một trong số các thị trường chưa có sự phục hồi, thậm chí tiếp tục giảm so với năm trước.
Cụ thể, 6 tháng qua hàng dệt may xuất sang Đức mới đạt 363,65 triệu USD, giảm 18,26% so với cùng kỳ. Năm 2023, hàng dệt may sang Đức giảm sâu, chỉ đạt 840 triệu USD, giảm gần 22% so với năm 2022.
Như vậy, nửa đầu năm 2024 có 6 thị trường trong khối EU đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trở lên. Bao gồm, Tây Ban Nha đạt gần 252,35 triệu USD, Bỉ đạt gần 206,17 triệu USD, tăng 6,75%, Pháp đạt 206,01 triệu USD, tăng 3,3%, Italia đạt gần 159,29 triệu USD, tăng 1,63%, Đức 363,65 triệu USD…
Đánh giá về công tác phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), bên cạnh yếu tố về giá, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng… thì tiêu chí phát triển bền vững cũng rất cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường).
“Đơn cử, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa”, ông Vũ Đức Giang nói.
Bình luận về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng để tìm cơ hội trong thách thức, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỉ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới.
Đầu tư, cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện, đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất.
Vẫn theo ông Vũ Đức Giang, định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn, đến năm 2035 đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số. Đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế...
Các chuyên gia kỳ vọng, với sự nỗ lực của toàn ngành, năm 2024 ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) như đã đề ra.