Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả của nước ta đã thu về gần 3,57 tỷ USD. Như vậy, rau quả vươn lên là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản và thuỷ sản. 

Xuất khẩu rau quả có thể vượt 7 tỷ USD

Tính đến giữa tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đã thu về gần 3,57 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 6/2024 Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm 64,9% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,16 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tiếp đến là Hàn Quốc và Mỹ, lần lượt đạt 164 triệu USD và hơn 157 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu rau quả sang hai thị trường này lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 54,6% và 33,5%.

Đáng chú ý, trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu sang Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, lên tới 95,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự báo xuất khẩu rau quả nửa cuối năm 2024 tiếp tục thuận lợi nhờ yếu tố mùa vụ và nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới tăng cao sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả có thể đạt hoặc vượt 7 tỷ USD.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nông sản Việt có nhiều lợi thế xuất sang thị trường Trung Quốc nhờ vị trí địa lý, tương đồng trong văn hóa ẩm thực. Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân này ưa chuộng. Hồi tháng 4, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc với 32.750 tấn.

Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%. “Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD. Mức này tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Nguyễn Khắc Tiến, 2023 là năm khởi động, 2024 sẽ là năm bứt phá ở thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng còn rất nhiều.

"Qua quá trình làm việc với các tập đoàn của Trung Quốc, Công ty nhận thấy tiềm năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến. Năm 2024, công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm này", ông Nguyễn Khắc Tiến nhấn mạnh.

Xuất khẩu rau quả có thể vượt 7 tỷ USD

Dự báo xuất khẩu rau quả nửa cuối năm 2024 tiếp tục thuận lợi nhờ yếu tố mùa vụ và nguồn cung dồi dào.

Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đang mở rộng “cánh cửa” bởi trái cây Việt Nam có chất lượng tốt, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh.

Với thị trường EU, tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Việt Nam đã xuất khẩu được một số sản phẩm mang tính chất ổn định như chuối, sầu riêng, dừa, nhãn và các loại rau gia vị.

Tại thị trường Nhật Bản, sau thanh long, xoài và vải, thì trái nhãn tươi cũng đã được khơi thông. Vào được thị trường khắt khe này đồng nghĩa với việc trái cây Việt Nam nói chung, quả nhãn nói riêng sẽ có cơ hội chinh phục các nước phát triển khác.

Việc có mặt ở hầu hết thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước.

Tuy nhiên, đi cùng với thuận lợi là những thách thức không nhỏ. Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành hàng rau quả cần khắc phục, đó là duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này rất lớn.

Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; phân tích, cập nhật thông tin từ các thị trường để có định hướng sản xuất trong nước phù hợp.