DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), xung quanh vấn đề này.
- Khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn đang rất tích cực. Theo ông, mục tiêu thu hút 40 tỷ USD FDI của Việt Nam trong năm 2024 có thành hiện thực?
Xu hướng thu hút FDI của Việt Nam vẫn ổn định từ cuối năm 2023 cho đến 6 tháng đầu năm 2024. Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều lý do khiến Việt Nam tiếp nhận được dòng vốn FDI tốt trong 2 năm gần đây.
Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị, xung đột lợi ích kinh tế, đặc biệt liên quan đến khoa học, kỹ thuật giữa các quốc gia lớn… đã làm cho dòng vốn FDI phải rút khỏi Trung Quốc khá nhiều.
Trong một số “địa chỉ” có thể thay thế Trung Quốc để đa dạng hoá chuỗi cung ứng cũng như phân tán rủi ro, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn. Bởi vì, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, có lực lượng lao động trẻ, sự sẵn có cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng giúp cho Việt Nam trở thành “bến đỗ” mới về thu hút FDI.
Thứ hai, chúng ta cũng lường trước các thách thức, như vấn đề an ninh năng lượng; nhu cầu về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nhân lành nghề tại các khu công nghiệp; tháo gỡ những rào cản thủ tục hành chính…
Vấn đề có thể thu hút được 40 tỷ USD FDI từ nay đến cuối năm 2024 hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Việt Nam cần phải làm tốt hơn thì mới hấp thụ được nguồn vốn này.
- Mặc dù đây là những tín hiệu tích cực, nhưng có một vấn đề lớn cần giải quyết, đó là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư FDI, thưa ông?
Trên thực tế, điều đầu tiên mà các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cần là có được số lượng lao động trẻ và ổn định, đã trải qua các lớp đào tạo để đáp ứng các ngành nghề mà họ đang đầu tư.
Lực lượng lao động của Việt Nam có điểm đáng lưu ý, đó là phần lớn các lao động là di cư, nên thường làm việc theo tính mùa vụ, hay có sự xáo trộn vì họ đang làm nhưng lại có thể xin nghỉ việc. Có nhiều hiện tượng người lao động xin nghỉ việc, sau đó rút bảo hiểm xã hội một lần để chuyển sang lĩnh vực khác. Đây là bài toán cần phải được giải quyết sớm.
Ngoài ra, tác phong công nghiệp của người lao động vẫn chưa cao. Bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp thì thái độ của người lao động vẫn còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực.
Trong một số trường hợp, lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, nên họ có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài. Do đó, Việt Nam cũng nên tạo điều kiện cho họ đi thuê lao động nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định. Có như vậy, thì mới giải quyết được bài toán lao động cho doanh nghiệp FDI.
- Trong thời gian qua, vốn FDI thực hiện vẫn còn thấp hơn nhiều so với vốn FDI đăng ký. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?
Gần đây, chúng ta có sự cải thiện rất đáng kể, khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện đang thu hẹp, thậm chí có những giai đoạn vốn thực hiện tăng nhanh hơn vốn đăng ký.
Đó là một tín hiệu tốt, vì các nhà đầu tư FDI đã nhanh chóng thực hiện giải ngân dòng vốn. Còn việc xúc tiến, đẩy nhanh từ vốn đăng ký đến vốn thực hiện thì có nhiều yếu tố, như sau khi có giấy phép đầu tư, nhà đầu tư mong muốn được triển khai nhanh và hiệu quả trong việc tiếp cận đất đai, điện, nước, môi trường…
Đối với những dự án nhỏ được phân cấp về địa phương thường xử lý rất nhanh. Còn các dự án lớn, đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành trung ương, nhà đầu tư FDI vẫn “kêu” về thủ tục, cách thức giải quyết các mâu thuẫn trong pháp luật, hoặc có những vấn đề pháp luật còn bỏ ngỏ khi giải quyết những nhu cầu trong dự án đầu tư.
- Theo ông, Việt Nam cần có giải pháp nào để việc thu hút FDI trong năm 2024 đạt được mục tiêu đề ra?
Thứ nhất, Việt Nam cần tích cực xây dựng hệ tiêu chuẩn quốc gia về thu hút FDI như quy mô vốn; lĩnh vực đầu tư có thuộc nhóm ưu tiên thu hút hay không; mức độ sử dụng lao động, công nghệ, môi trường; giá trị gia tăng nội địa; khả năng liên kết lan toả và tham gia các chuỗi giá trị; mức độ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Thứ hai, vấn đề lao động là một điểm yếu mà chúng ta cần giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Bởi vì, khi đến Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số, các nhà đầu tư FDI cần người lao động có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước thực tế đó, việc cần làm lúc này là tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong nước, đồng thời mời gọi kỹ sư, chuyên gia từ các nước đến Việt Nam.
Thứ ba, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, bên cạnh việc tạo thuận lợi về hệ thống cơ sở hạ tầng, đòi hỏi chúng ta phải nâng cấp các yếu tố đầu vào như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giải quyết các vấn đề bên ngoài các KCN, chỗ ở cho gia đình người lao động… Nếu tất cả các vấn đề này được giải quyết tốt thì mới thu hút được các nhà đầu tư “khó tính”.
- Trân trọng cảm ơn ông!