Chính phủ vừa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên mức cận trên từ 6,5 - 7% thay vì 6 - 6,5% như trước đây. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cũng dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024, trong đó ở kịch bản cao, mức tăng trưởng được đưa ra sẽ đạt 6,95% dựa vào bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có tín hiệu tích cực, tăng trưởng GDP đạt 6 tháng đầu năm đạt 6,42%.
Lạc quan với mục tiêu tăng trưởng
PGS.TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, kinh tế toàn cầu đã có xu hướng phục hồi, lạm phát tại nhiều khu vực trên thế giới được kiểm soát. Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là có cơ sở.
Báo cáo giữa năm của Citibank về triển vọng kinh tế của Việt Nam khẳng định khả năng hồi phục bền vững của nền kinh tế qua chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ của GDP quý 2 và xuất khẩu thực đạt mức tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ gia tăng xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất cũng như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Helmi Arman - Kinh tế trưởng về kinh tế Việt Nam của Citibank cho biết: “Vào đầu năm, chúng tôi đã dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam sau năm 2023 đầy thử thách. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy mức tăng trưởng giữa năm đã vượt quá mong đợi. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng tốc và các ngành định hướng xuất khẩu phục hồi”.
Bên cạnh đó là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang hướng đến con số lạc quan khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 39 - 40 tỷ USD trong năm nay, tương đương hoặc cao hơn so với kết quả năm 2023.
Ông Hoàng Xuân Trung - Trưởng bộ phận kinh doanh và giải pháp doanh nghiệp của Citibank Việt Nam nhấn mạnh thêm: cách tiếp cận chủ động của Việt Nam trong việc mở rộng các hiệp định thương mại tự do với các thị trường tiềm năng đã đóng vai trò then chốt trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, cải cách cơ cấu đang được tiến hành góp phần củng cố khu vực ngân hàng và kích hoạt sự phục hồi của thị trường bất động sản. Nhìn về tương lai, Citi đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 6% lên 6,4%.
Cảnh giác với những bất định
Lạc quan nhận định về mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 nhưng PGS.TS Bùi Quang Tuấn vẫn thận trọng khi đề cập đến những thách thức nền kinh tế có thể phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh bất định như hiện nay với nhiều sự thay đổi nhanh có thể làm đứt gãy các chuỗi cung ứng như đã từng xảy ra.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đặt ra các mục tiêu, luôn cần có các phương án dự phòng, nếu có những kịch bản không như mong muốn sẽ có thể ứng phó, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Trong thời gian từ nay đến cuối năm, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận định, các động lực tăng trưởng truyền thống mà Việt Nam đang có lợi thế như tiêu dùng, xuất nhập khẩu hay cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do vẫn là chủ đạo.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục khơi thông khai thác nhiều hơn các động lực mới, dựa vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích phát triển như chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm hay chuyển đổi xanh, kinh tế xanh… Để các động lực mới tạo đà cho tăng trưởng mạnh mẽ, cần có những chính sách đột phá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khu vực tư nhân, khu vực ngoài nhà nước tham gia.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến những biến động và bất ổn của toàn cầu như thách thức rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm cần khai thác tốt hơn các lợi thế quan trọng mà chúng ta đang có. Đó là việc kết nối cung cầu, thúc đẩy cầu trong nước và giữ được cầu quốc tế đang lên cao.
Do đó, cần kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo ổn định vĩ mô và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn sẵn có của Nhà nước là vốn đầu tư công, đưa vào thực hiện tối đa. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.