Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Bình quân, 7 tháng năm 2024 CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm.
Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%).
Chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tổng cục Thống kê lý giải, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước…
Theo đánh giá của các chuyên gia, lạm phát cao sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế như lãi suất, đầu tư... Phân tích về các yếu tố tác động lên lạm phát, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, từ bên ngoài những xung đột địa chính trị làm đứt gẫy chuỗi cung ứng và làm chi phí vận tải tăng.
“Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài nhiều, đã tác động rất mạnh đến giá hàng hóa trong nước”, TS. Nguyễn Bích Lâm nói.
Bên cạnh đó, lạm phát kinh tế Mỹ mặc dù đã hạ nhưng vẫn dai dẳng và chưa về lạm phát mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra. FED và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao. Điều này làm cho giá trị USD và ngoại tệ khác vẫn ở mức cao và tạo áp lực đến tỷ giá hối đoái giữa VND và ngoại tệ khác.
“Việt Nam nhập khẩu khá lớn nguyên vật liệu, do đó khi tỷ giá cao sẽ làm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài ngoài”, TS. Nguyễn Bích nhấn mạnh.
Về yếu tố bên trong, TS. Nguyễn Bích Lâm cũng chỉ ra nhiều nhóm yếu tố tác động lên lạm phát như giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế …
Đáng lưu ý, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đã khiến không chỉ người dân mà doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều tiền hơn để chi trả cho tiền điện, sẽ tác động làm tăng giá thành sản phẩm và tác động trực tiếp tới giá điện tiêu dùng của hộ gia đình, từ đó tác động lên CPI.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, CPI đang có xu hướng tăng đáng kể vượt mốc 4% mà chỉ tiêu Quốc hội quyết định là 4 - 4,5%.
Nếu nhìn ra thế giới, giá dầu không hy vọng giảm, dẫn đến giá dầu đầu vào trong nước sẽ tiếp tục cao. Giá điện trong nước cũng không thể không tăng, bởi Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thì giá đầu vào rất cao. Đó là những yếu tố thúc đẩy tăng giá trong năm 2024.
“Lạm phát sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế như lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng thấp hơn CPI, nên người dân phải dùng tiền đó để làm việc khác, đầu tư vào lĩnh vực khác, như vàng hay bất động sản”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Để giữ được mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 4 – 4,5%, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành cần tổng hợp nhiều giải pháp như kiểm soát giá vàng trong nước, thị trường bất động sản tăng nóng hay một số dịch vụ phải tăng giá như điện, dịch vụ y tế, giáo dục… thì cần phải đánh giá được tác động và lựa chọn thời điểm phù hợp để điều chỉnh.