Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024 với chủ đề “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhìn lại những giai đoạn phát triển vừa qua, thế giới đã ở trong giai đoạn đứng trước thách thức lớn về sự chuyển đổi.
Xu hướng tất yếu không thể đảo ngược
Theo đó, sau hàng trăm năm phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên, thế giới đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu. Để giải quyết thách thức này thì không một nước phát triển, hay đang phát triển có thể giải quyết riêng lẻ mà đòi hỏi sự chung tay để giải quyết trên toàn cầu.
Từ phía Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã tham gia từ sớm các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Tại các Nghị quyết của Đảng, Việt Nam cũng đã xác định lựa chọn phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP26, Việt Nam đã ký cam kết Net-Zero vào năm 2050, một mục tiêu hết sức thách thức cả với nhiều nước phát triển. Triển khai các mục tiêu này, Việt Nam đã có các chiến lược về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.
“Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, kinh tế xanh là con đường chắc chắn phải chọn”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Khi mô hình đã được chọn, Phó Thủ tướng cũng lưu ý điều cần bàn là việc triển khai mô hình cụ thể thế nào, tiêu chí, lộ trình từng năm ra sao, giải pháp nào cho sự liên kết giữa chính phủ, chính quyền đia phương, doanh nghiệp… Đây là những vấn đề Phó Thủ tướng mong muốn được lắng nghe từ các ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế tham dự Diễn đàn.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong chặng đường phát triển kinh tế xanh, Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe các tiếng nói của doanh nghiệp để từ đó có các giải pháp, chính sách hỗ trợ cần thiết ở phạm vi trong nước cũng như thể hiện tiếng nói trên toàn cầu.
Biến cam kết thành hành động
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, ba xu thế lớn tác động đa chiều đối với tất cả các quốc gia. Cụ thể, thứ nhất, phát triển kinh tế xanh và bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Trong bối cảnh tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống, cùng với những căng thẳng địa chính trị đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp trở thành điều chỉnh “bắt buộc”.
Thứ hai, điểm đáng chú ý là hai xu thế tăng trưởng xanh và chuyển đổi số với phát triển của các công nghệ mới diễn ra đồng thời, tác động qua lại, đẩy nhanh cả hai tiến trình với tốc độ vượt trội.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công nghệ và xu hướng mới, nổi lên là AI và giảm phát thải các-bon sẽ là hai nhân tố quyết định trong chu kỳ phát triển mới của thế giới. Chat GPT chỉ mất 2 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi các ứng dụng khác phải mất vài năm, thậm chí 10 năm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, để phát triển các công nghệ mới, nhất là bán dẫn, AI, nhu cầu về tiêu thụ điện năng, nhất là điện sử dụng năng lượng sạch sẽ tăng gấp nhiều lần. Năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới
Thứ ba, phải khẳng định cộng đồng quốc tế đã đạt nhận thức sâu sắc, có quyết tâm cao, mục tiêu tham vọng về việc cần hợp tác và hành động vì kinh tế xanh và bền vững.
Tại tất cả các tổ chức, diễn đàn hợp tác đa phương và song phương, kinh tế xanh và bền vững là một trong những nội dung nghị sự được quan tâm hàng đầu. Hàng loạt các liên kết, sáng kiến mới gắn với các lĩnh vực xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ (“Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) của Nhóm G7, “Sáng kiến Phát triển toàn cầu” (GDI) của Trung Quốc, “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC) của Nhật Bản, Diễn đàn Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM), Luật chống phá rừng của EU, Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới của Pháp…).
"Vấn đề cấp bách hiện nay là biến các cam kết thành các hành động, biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực, biến mong muốn, tầm nhìn thành những kết quả cụ thể để không nước nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững", bà Hằng nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Đối với Việt Nam, là một nền kinh tế hội nhập và gắn kết sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy phát triển xanh và bền vững hiện nay.
"Vấn đề đặt ra không phải chỉ là nằm trong vòng xoáy mà Việt Nam cần quyết tâm nắm bắt cơ hội từ vòng xoáy đó để tạo đột phá trong phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045", bà Hằng nhấn mạnh.
Trong tiến trình đó, là một nước đang phát triển, một nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam và từng địa phương của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ, đồng hành của bạn bè quốc tế, nhất là trong huy động nguồn tài chính xanh và bền vững, phát triển các công nghệ giảm phát thải và đào tạo nguồn nhân lực.