Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, hoạt động xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong quý I/2024 khi mà nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc phục hồi. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 4 tỷ USD trong 2 tháng đầu 2024. Trong đó, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 15,7 tỷ USD tăng trưởng 30,3% so với cùng kỳ, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác cũng tăng mạnh so với cùng kỳ như: điện thoại và linh kiện, tăng 9,7%, máy móc, tăng 10,2%, dệt may, tăng 7,9%… Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất với 28% kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là khối EU (16%) và Trung Quốc (14%).
Đánh giá tình hình xuất khẩu trong thời gian tới, KB Việt Nam cho rằng, xuất khẩu sẽ duy trì được mức tăng trưởng này trong quý II trước khi bứt phá mạnh mẽ hơn vào cuối năm dựa trên các luận điểm sau:
Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ tại các nước đối tác lớn của Việt Nam dự báo sẽ ấm lên. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) và tâm lý tiêu dùng (CSI) tại Mỹ đã theo xu hướng đi lên sau khi tạo đáy vào năm ngoái, cho thấy người tiêu dùng tại quốc gia này đã có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế và tình hình tài chính của họ. Sức mua theo đó sẽ cải thiện đặc biệt trong bối cảnh Fed kỳ vọng sẽ hạ lãi suất trong nửa cuối năm 2024. Chỉ số CCI tại EU và Trung Quốc cũng ghi nhận sự cải thiện tích cực.
Thứ hai, tăng trưởng tồn kho tại Mỹ và EU chạm đáy, dự báo nhu cầu lấp đầy hàng tồn kho trở lại ở các quốc gia này sẽ giúp gia tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt ở các lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu như dệt may, thủy sản, nội thất.
Thứ ba, xuất khẩu cũng sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của ngành công nghiệp bán dẫn và linh kiện điện tử toàn cẩu. Theo Tổ chức WSTS, thị trường chất bán dẫn sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu chip dùng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gia tăng, quy mô kỳ vọng tăng 13,1% so với cùng kỳ trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD.
“Mặt khác, chúng tôi nhận thấy một số rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu bao gồm: rủi ro địa chính trị khiến giá dầu, giá cước vận tải, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao; thói quen tiêu dùng thay đổi trong môi trường lãi suất cao tại các nước đối tác thương mại; lộ trình tăng giá điện ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nguồn cung điện chưa ổn định”, KB Việt Nam nhận định.
Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo tăng 5,9% - cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Chỉ số PMI đạt trên ngưỡng 50 điểm trong 2 tháng đầu năm nhưng đã suy giảm nhẹ xuống còn 49,9 điểm vào cuối tháng 3 do nhu cầu giảm khiến sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
“Dù vậy chúng tôi đánh giá mức giảm là nhỏ và một điểm tích cực hơn là niềm tin về triển vọng sản lượng trong tương lai của các nhà sản xuất đạt mức cao nhất của 18 tháng. Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi theo đà tăng của xuất khẩu trong thời gian tới với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng”, KB Việt Nam nhận định thêm.