Phiên kết nối cung cầu công nghệ
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Văn phòng đại diện bộ phận KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức Phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Tham dự hội nghị, có các đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và một số Cục, Vụ, Viện có liên quan khác.
Về phía ban tổ chức có các cơ quan và tổ chức thành phố bao gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố; Đại diện Văn Phòng UBND thành phố và đại diện các sở ban ngành của thành phố.
Bên cạnh đó, tham gia sự kiện lần này còn có 14 đơn vị là các Viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp Đài Loan mong muốn tư vấn, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực phù hợp.
Phát biểu tại sự kiện, bà Phạm Thị Sen Quỳnh – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, mục tiêu của Phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan là đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ Hải Phòng, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kết nối, thương mại hóa, chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ, thiết bị giữa các tổ chức, doanh nghiệp của Đài Loan với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh/thành khác trong cả nước. Đồng thời cũng là sự hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành phố đầu tư, đổi mới công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị tiên tiến từ nước ngoài để áp dụng vào sản xuất và đời sống.
Cũng theo phát biểu của PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, từ năm 2020 đến nay, Sở KH&CN và đơn vị thuộc Sở đã tổ chức gần 20 sự kiện kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó nổi bật là các Phiên kết nối cung cầu công nghệ với các nước và vùng kinh tế như Isarel, Nhật Bản hay là Đài Loan cùng sự tham gia của hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
Cũng trong sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm, tích cực thảo luận để nhận được sự đặt hàng, hợp tác, hỗ trợ về mặt công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp như xây dựng, tái chế xử lý chất thải điện tử; lĩnh vực nông nghiệp và chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, hiệu quả.
Sự kỳ vọng vào các doanh nghiệp Đài Loan
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3, Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 4 sau Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Trong đó, Hải Phòng là địa phương nhận được nguồn vốn đầu tư đáng kể của các doanh nghiệp Đài Loan. Hiện các đối tác Đài Loan có 60 dự án tại đây, với tổng vốn 1,8 tỷ USD, trong đó có 27 dự án nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn 1,6 tỷ USD.
Các nhà đầu tư lớn của Đài Loan tại Hải Phòng bao gồm Công ty TNHH Pegatron Việt Nam với vốn đầu tư 800 triệu USD, Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam với số vốn 215 triệu USD và Công ty TNHH Lite On Việt Nam với 89 triệu USD. Đây đều là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tivi, máy tính, khí công nghiệp, máy móc, thiết bị và bao bì.
Có thể nói, với các lợi thế từ hệ thống cảng biển hiện đại bậc nhất miền Bắc và là một cực trong tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đồng thời cũng là địa phương hội tụ cả 5 loại hình giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không, rất hữu ích cho các hoạt động kinh tế. Bên cạnh những chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư, sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA), Hải Phòng đang được coi là địa điểm rất hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Đài Loan.
Hy vọng, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ lần này được coi là một cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Đài Loan được gặp gỡ, nắm bắt nhu cầu, trao đổi thông tin, tìm hiểu về thiết bị công nghệ và nhu cầu đặt hàng của phía đối tác, tiến tới đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán công nghệ, thông qua đó thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ công nghệ tiếp nhận từ ngoài nước vào Hải Phòng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam- Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.