Thời gian diễn ra sự kiện vào 13h30 – 17h00, Thứ Tư, ngày 28/06/2023. Địa điểm: Hội trường Thống nhất, 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, Tân An, tỉnh Long An.
Có thể nói, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro khi luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung – cầu… Cũng bởi vậy, thu hút đầu tư vào nông nghiệp dù có chuyển biến nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng so với tiềm năng hiện nay.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2022, số doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới 821 doanh nghiệp nông nghiệp, nâng tổng số lên 14.995 doanh nghiệp, tăng hơn 9,8% so với năm 2021. Nếu so sánh với con số 148.533 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước trong năm 2022 thì đây vẫn là con số rất khiêm tốn, cho thấy, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp hiện vẫn đang rất thấp.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới: “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, với Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững đã nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Những chính sách trên cho thấy Nhà nước đang từng ngày càng quan tâm hơn tới vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là đưa chính sách đi vào thực tiễn để đến với những người đang có nhu cầu và tiềm năng muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, thật sự là “bệ đỡ” của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 54 tỷ USD năm 2023; Phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với chú trọng thị trường nội địa; Có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng cho từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn;… cần một chiến lược chuyển đổi với hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ.
Đăng ký tham dự:
Nhà báo Thùy Linh: ĐT: 0915358389 – Email: thuylinh84.dddn@gmail.com