Dự báo tăng trưởng GDP tích cực của Việt Nam được đưa ra, đặt trong bối cảnh các chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong năm 2024 lên 5,0% so với mức dự báo trước đó là 4,9%.

ADB giữ dự báo tăng trưởng 6% của Việt Nam, lưu ý động lực phục hồi

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam ở mức 6%. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Theo báo cáo của ADB, mức nâng này trên cơ cơ sở xuất khẩu tăng của khu vực đã bổ sung cho nhu cầu nội địa vững vàng. Triển vọng tăng trưởng cho năm sau được giữ nguyên ở mức 4,9%.

Tại báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) vừa được công bố, lạm phát của khu vực được dự báo giảm dần xuống còn 2,9% trong năm nay, trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu giảm và tác động dai dẳng của các mức lãi suất cao hơn.

Sau quá trình phục hồi sau đại dịch chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa, xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực. Nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm điện tử, đặc biệt là chất bán dẫn dùng cho các ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, đang giúp đẩy mạnh xuất khẩu từ một số nền kinh tế châu Á. 

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Alberk Park, chia sẻ: “Hầu hết châu Á và Thái Bình Dương đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với nửa cuối năm ngoái. Các yếu tố cơ bản của khu vực vẫn vững vàng, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới một số rủi ro có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng, từ sự không chắc chắn liên quan tới kết quả bầu cử tại các nền kinh tế chủ chốt tới những quyết định về lãi suất và những căng thẳng địa chính trị”.

Trong khi lạm phát đang giảm dần về mức trước đại dịch trong khu vực nói chung, áp lực giá cả vẫn cao tại một số nền kinh tế. Lạm phát giá lương thực vẫn cao tại Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, một phần là do khí hậu bất lợi và những hạn chế xuất khẩu lương thực ở một số nền kinh tế.

Dự báo tăng trưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), nền kinh tế lớn nhất khu vực, được duy trì ở mức 4,8% trong năm nay. Tiêu dùng dịch vụ tiếp tục phục hồi cùng với các hoạt động công nghiệp và xuất khẩu mạnh hơn dự kiến đang hỗ trợ cho tăng trưởng, ngay cả khi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc vẫn chưa ổn định. Chính phủ đã đưa ra các biện pháp chính sách bổ sung vào tháng 5 để hỗ trợ thị trường bất động sản.

Triển vọng của Ấn Độ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, cũng được giữ nguyên ở mức 7,0% trong năm tài khóa 2024. Ngành công nghiệp của Ấn Độ được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lĩnh vực sản xuất và nhu cầu xây dựng cao. Nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi trong bối cảnh dự báo lượng mưa trên mức trung bình, trong khi nhu cầu đầu tư vẫn mạnh, với đầu tư công có vai trò chủ đạo.

Đối với Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng được duy trì ở mức 4,6% trong năm nay nhờ sự cải thiện vững vàng về nhu cầu nội địa và bên ngoài. Triển vọng năm nay của khu vực Cáp-ca-dơ và Trung Á được nâng lên 4,5% so với dự báo trước đó là 4,3%, một phần nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ở A-déc-bai-gian và Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan. Tại Thái Bình Dương, triển vọng tăng trưởng của năm 2024 được duy trì ở mức 3,3%, nhờ chi tiêu cho du lịch và cơ sở hạ tầng, cùng với hoạt động khai khoáng được phục hồi tại Pa-pua Niu Ghi-nê.

ADB giữ dự báo tăng trưởng 6% của Việt Nam, lưu ý động lực phục hồi

Việt Nam được dự báo dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng GDP trong năm 2024

Đáng chú ý, dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%, với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ADB, khu vực chế biến chế tạo liên quan đến thương mại – một trong những động lực phục hồi  chủ yếu – dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu. Lạm phát được dự báo sẽ ổn định ở mức 4,0% trong hai năm 2024 và 2025.

Trước đó, vào kỳ công bố báo cáo trong tháng 4, ADB đã đưa ra dự báo về mức tăng trưởng 6% của Việt Nam. Theo các chuyên gia khi đó, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.

Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam. Nói cách khác, trong các trụ cột của tăng trưởng kinh tế, đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, theo kỳ vọng của ADB.

Tuy nhiên, kết quả nửa đầu năm 2024 đã và đang ghi nhận những đóng góp tích cực từ sự phục hồi của cả nhu cầu bên ngoài và nhu cầu trong nước, dẫn đến các đơn hàng tăng cao. Chỉ số PMI bật tăng mạnh vào tháng 6 ghi nhận sự phục hồi của các nhà máy sản xuất; cộng hưởng với sự xác nhận của nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực gia công và thâm dụng lao động như dệt may, về lượng đơn hàng tích cực đến hết quý III, sự tăng trưởng kim ngạch của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính linh kiện, máy móc phụ tùng dụng cụ, nông sản... đã và đang cho phép những kỳ vọng lạc quan hơn với nhu cầu hứa hẹn từ các thị trường chính.

Theo kết quả mà ADB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có khả năng sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, cùng với Philippines. Theo sau là Indonesia với mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt 5% trong năm 2024. Tiếp theo là Malaysia, Thái Lan và Singapore, với mức tăng trưởng được dự báo lần lượt là 4,5%, 2,6% và 2,4% trong năm nay.