Theo Ban tổ chức, Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác, bao gồm cả hợp tác đa ngành và chuyên ngành, đa phương và song phương, ở nhiều cấp độ khác nhau. Có thể kể đến là Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM), cơ chế hợp tác Mekong - Hàn Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng, Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp Thứ trưởng, Đối thoại Quốc phòng Việt - Hàn cấp Thứ trưởng …
Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đóng vai trò trụ cột trong quan hệ hai nước. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 1 của Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài; đứng thứ 2 trong vai trò nhà tài trợ ODA song phương cho Việt Nam; và đứng thứ 3 về trao đổi mậu dịch hai chiều với Việt Nam.
Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 06/2024, tổng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 87,5 tỷ USD với hơn 10.000 dự án đầu tư, trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 3/4 tổng vốn đăng ký và gần 1/2 tổng số dự án.
Về hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển, chiếm khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc. Những lĩnh vực ưu tiên nhận ODA của Hàn Quốc là hạ tầng giao thông đô thị, giáo dục - đào tạo, mội trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin…
Tháng 6/2023, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2030 trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị Việt Nam. Tính đến hết năm 2023, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam thông qua KOICA – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc, đạt khoảng 600 triệu USD, và viện trợ vốn vay ưu đãi thông qua EDCF – Quỹ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Hàn Quốc, đạt gần 2,6 tỷ USD.
Về kim ngạch thương mại, trao đổi mậu dịch song phương đã tăng trưởng ngoạn mục từ con số khiêm tốn 500 triệu USD vào năm đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, lên đến 87 tỷ USD năm 2022 và 76 tỷ USD năm 2023. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 39 tỷ USD. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 150 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc để vươn lên vị trí số 1 về số lượng khách đến Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19 từ năm 2022 đến nay. Trong năm 2023, có gần 3,6 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, chiếm 28,5% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Và trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận gần 2,3 triệu lượt khách Hàn Quốc, chiếm 1/4 tổng lượng khách quốc tế.
Đồng thời, Hàn Quốc cũng đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam. Năm 2023 có gần 11.000 lao động Việt Nam được tuyển dụng làm việc tại Hàn Quốc, và dự kiến có khoảng 13.000 lao động Việt Nam tiếp tục tham gia thị trường này trong năm 2024.
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong hơn 5 năm qua Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư hàng đầu vào Việt Nam kể cả về tổng vốn đầu tư đăng ký và số lượng dự án.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc đầu tư 1,4 tỷ USD vào Việt Nam và đứng thứ 4/84 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hợp tác phát triển (ODA), theo ông Hoàng, Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển, chiếm khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc. Những lĩnh vực ưu tiên nhận ODA của Hàn Quốc là hạ tầng giao thông đô thị, giáo dục - đào tạo, môi trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin...
“Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Sắp tới, Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc, với dòng vốn lên đến hàng chục tỷ USD”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ.
Cũng theo đại diện Cục đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam dự kiến tăng mạnh sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6/2023 và chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 6 vừa qua.
Chia sẻ về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đồng thời, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyên giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Các lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế số - chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, đối mới sáng tạo, nghiên cứu phát triên...
“Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, Việt Nam đã chuẩn bị quỹ đất sạch, hạ tầng KCN gắn với phát triển nhà ở cho người lao động; Thành lập Tổ công tác hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài trọng điểm; Phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động; Ban hành những hình thức, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới; Phát triển hạ tầng năng lượng, phát triển công nghiệp phụ trợ…”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ thêm.
Ông Jeong Joon Kyu – Tổng Giám đốc Kotra cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc mong chờ các cơ chế, chính sách mới phù hợp từ Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đã có hiệu lực tại Việt Nam từ đầu năm 2024.
Theo ông Jeong Joon Kyu, đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam. Các tập đoàn kinh tế lớn này là đối tượng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
“Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này và tiến hành tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay các chính sách mới về ưu đãi đầu tư vẫn chưa được ban hành và áp dụng”, ông Jeong Joon Kyu chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến công nghệ cao của Hàn Quốc. Nhiều dự án quy mô lớn đang được đầu tư và triển khai trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo như áp dụng công nghiệp thông minh và trong phát triển hạ tầng phát điện ..
“Việt Nam có môi trường rất thông thoáng và thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tận dụng tốt các cơ hội thị trường và tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam để thúc đầy kinh doanh thành công”, ông Jeong Joon Kyu chia sẻ thêm.