Bài học phát triển kinh tế dữ liệu của nhiều quốc gia, đặc biệt của Trung Quốc, sẽ thực sự hữu ích cho Việt Nam.
Là một phần không thể thiếu của kinh tế số, ngành công nghiệp dữ liệu tại Trung Quốc được chuẩn bị từ khá sớm. Đến nay, quy mô lĩnh vực kinh tế này đạt 1.570 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng từ 2 con số mỗi năm.
Dữ liệu - tài nguyên chiến lược
Mọi chuyện bắt đầu từ những công ty công nghệ hàng đầu như Alibaba, Tencent, Byte Dance, Huawei, 360buy, Sina, SKYEngine, Baidu,… Cách thức hoạt động của các công ty này là bắt buộc người dùng để lại “danh tính”, từ giải trí trực tuyến đến mua sắm qua mạng.
Sau hơn 2 thập kỷ, những công ty này đã thu thập được dung lượng dữ liệu khổng lồ về nhân khẩu học, việc làm, thu nhập, thị hiếu mua sắm, xu hướng tiêu dùng, không loại trừ quan điểm chính trị, tư tưởng,… Đây là dữ liệu lớn (BigData).
Tháng 10/2023, Trung Quốc thành lập Cục dữ liệu quốc gia (NDA); gấp rút triển khai khảo sát dữ liệu quốc gia trên phạm vi toàn quốc. Cuộc khảo sát sẽ hỏi các đơn vị liên quan về cách thức họ sản xuất, lưu trữ, lưu hành, trao đổi, phát triển, sử dụng và bảo mật dữ liệu.
Thành phố Qúy Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã trở thành “thung lũng mềm” hàng đầu thế giới ở miền Nam Trung Quốc. Thành phố này có 37 trung tâm dữ liệu đang hoạt động hoặc đang được xây dựng phục vụ cho các “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Huawei và Tencent.
Quý Châu từ vùng núi hoang sơ đã vụt thành điểm sáng kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước 7 năm liên tiếp nhờ kinh tế số. Có tới 12.000 doanh nghiệp dữ liệu hoạt động tại đây, tạo ra giá trị thị trường hơn 120 tỷ USD.
Vậy dữ liệu lớn được ứng dụng vào việc gì? Từ kho dữ liệu khổng lồ, doanh nghiệp có thể chuyển hóa thành giải pháp kinh doanh. Ví dụ, cá nhân hóa đề xuất nội dung cho người dùng trên nền tảng mạng xã hội; có thể nghiên cứu chính xác thị trường chỉ sau một thuật toán do siêu máy tính thực hiện…
Nói cách khác, ai sử dụng được tiềm năng dữ liệu lớn thì người đó “biết trước tương lai”, đưa ra tiên đoán, dự báo đón đầu xu thế. Nếu trước đây, các nhãn hàng thường mất nhiều tháng khảo sát nhu cầu bằng phiếu thủ công, thì nay siêu máy tính sẽ làm việc đó trong vài giây.
Với quản trị quốc gia, chính phủ điện tử sẽ điều hành xã hội dựa trên dữ liệu. Chính phủ sẽ không mất nhiều thời gian để nhận thấy những bất cập về mặt chính sách, luật pháp. Thậm chí, chính sách vĩ mô cũng có thể cá nhân hóa đến mức tối đa, tránh sai số quá lớn.
Bài học cho Việt Nam
Kinh tế số nói chung và dữ liệu lớn nói riêng không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc. Không có dữ liệu lớn chẳng khác nào “chạy bộ” trong khi tất cả đã lên “phi thuyền”. Ở Việt Nam, chỉ vài phần trăm doanh nghiệp thực sự làm chủ công nghệ để phân tích dữ liệu và tự động hóa.
Theo nhiều chuyên gia, từ thực tế kinh tế dữ liệu của Trung Quốc, có thể tham chiếu cho Việt Nam trên một số khía cạnh.
Thứ nhất, thực tiễn tại Trung Quốc cho thấy, trước hết cần có công cụ thu thập dữ liệu, phương án nhanh nhất là thông qua các công ty internet. Cụ thể, dữ liệu lớn Việt Nam hiện nằm trong tay các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Viettel, VNPT, FPT, những công ty thương mại điện tử, và một phần trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, để xử lý dữ liệu cần có hạ tầng là hệ thống đường truyền tốc độ cao, mạng máy tính tiên tiến đặt trong điều kiện tự nhiên thuận lợi, dồi dào điện năng, ít rủi ro thiên tai, bảo mật gần như tuyệt đối.
Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế dữ liệu, trong đó vấn đề cấp bách nhất ở Việt Nam hiện nay là quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân. Đây được coi là “nút thắt” khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa an tâm đặt máy chủ cũng như xây dựng các trung tâm mô hình như ở thành phố Qúy Dương (Trung Quốc).
Thứ tư, nguồn lực con người luôn quyết định đến khả năng khai thác dữ liệu. Để tận dụng tối đa giá trị của dữ liệu, cần đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng về phân tích dữ liệu và khoa học dữ liệu. Trung Quốc có 12 Trường đại học đào tạo kỹ sư ngành quản lý dữ liệu và dữ liệu lớn hàng đầu thế giới, kết hợp với đội ngũ đang làm việc tại nước ngoài tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, giàu chất xám.