Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn RMIT, Phó chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn EuroCham Việt Nam cho biết: “Các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều đã gặt hái lợi ích từ quá trình tự do hóa và bỏ bớt các quy định trong lĩnh vực hàng không, giúp tăng thêm lựa chọn cho các chuyến bay và giá vé phải chăng hơn”.
“Tự do hóa thị trường hàng không sẽ mở rộng cửa hơn cho các hãng hàng không mới và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, buộc các hãng phải cải thiện dịch vụ, giảm chi phí và mở rộng đường bay, nhờ đó mà giá vé sẽ hợp lý hơn, nhiều lựa chọn đi lại hơn và nâng cao hiệu quả tổng thể của toàn ngành”.
Tiến sĩ Ribeiro nhận định: “Việc tự do hóa hàng không trên toàn thế giới đã giúp đẩy mạnh cạnh tranh và đổi mới, nhiều lựa chọn hơn với giá cả thấp hơn cho du khách. Tất cả đều có thể mang lại lợi ích cho du lịch Việt Nam”.
Ngoài ra, điều này còn kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra cơ hội việc làm, tạo cú hích cho du lịch và thương mại. Báo cáo của Hiệp hội Du lịch hàng không quốc tế (IATA) đã chỉ ra tác động của việc tự do hóa dịch vụ hàng không ở Việt Nam, trong đó có việc gia tăng lưu lượng giao thông quốc tế lên 38%, giảm giá vé máy bay trung bình xuống 27%, tạo ra hơn 100.000 việc làm toàn thời gian mới (trong đó hơn 70.000 lao động thuộc ngành du lịch) và đóng góp thêm 1,3 tỉ đô la Mỹ vào GDP của Việt Nam.
Hiện tại ở Việt Nam có năm hãng hàng không đang hoạt động (gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines). Con số này vẫn chưa đủ so với nhu cầu đi lại ngày càng tăng như hiện nay và có khả năng tăng hơn nữa trong thời gian tới. Đây là ý kiến của bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Qatar Airways tại Việt Nam và Campuchia đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn EuroCham Việt Nam.
Bà Thanh Hương cho biết: “Chúng ta cần thêm nguồn cung hàng không để phục vụ một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam”.
“Ví dụ, đường bay Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh liên tục đứng trong top 5 đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới với hơn 10 triệu hành khách, trong khi đó nguồn cung hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến giá vé cho hành khách tăng cao như chúng ta đã thấy trong đợt 30/4 vừa qua”. - Bà Hương nói thêm.
Các chuyên gia đặc biệt chỉ ra tác động của việc hạn chế năng lực hàng không đối với du lịch. Ông Martin Koerner, Giám đốc Thương mại của khu nghỉ dưỡng The Anam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh sự thiếu hụt và chi phí cao của các chuyến bay giữa Hà Nội và những điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc.
Ông Koerner nói: “Việc không sẵn có các tuyến bay nội địa quan trọng khiến các đại lý du lịch quốc tế vấp phải không ít khó khăn vì không còn những chuyến khứ hồi, tới các điểm khác nhau từ Bắc chí Nam”.
Ngành hàng không Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức vì các hãng hàng không bị hạn chế về tài chính khiến hoạt động bị ảnh hưởng theo, đồng thời phải đối phó với tình trạng thiếu máy bay nghiêm trọng. Pacific Airlines và Bamboo Airways đã phải cắt giảm đội bay do vấn đề tài chính, trong đó Bamboo Airways trả lại 22 máy bay để cơ cấu lại nợ như một phần trong kế hoạch tái tổ chức hoạt động kinh doanh.
Xu hướng cắt giảm này thể hiện rõ ở đội bay của các hãng hàng không tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 4, số lượng máy bay đã giảm 18 chiếc so với năm trước. Số máy bay đang hoạt động hiện nay dao động từ 165-170 chiếc, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của năm ngoái. Việc dừng bay gần đây của hơn 40 máy bay Airbus Neo thuộc sở hữu của Vietnam Airlines và Vietjet do Pratt & Whitney thu hồi động cơ trên toàn cầu khiến những thách thức trong ngành càng trầm trọng thêm, làm cho nguồn cung giảm và giá vé máy bay tăng cao.
Ông Lukasz Kozlowski, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập MakeYourAsia, Thành viên hội đồng CEEC, kiêm Thủ quỹ Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn EuroCham Việt Nam lưu ý rằng, “với việc giá vé máy bay tăng, nhiều du khách đã xem xét lại kế hoạch du lịch và lựa chọn các phương tiện di chuyển thay thế hoặc những điểm đến gần hơn. Thay đổi lựa chọn hướng tới các điểm đến có giá vé máy bay phải chăng hơn khiến doanh nghiệp Việt Nam mất đi nguồn thu quý giá”.
Ông Kozlowski cho biết: “Khi so sánh thị trường hàng không Việt Nam với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể thấy Việt Nam có dư địa tăng trưởng đáng kể. Ví dụ, Philippines có 28 hãng hàng không, Indonesia 25, Nhật Bản 22, Malaysia 18, Thái Lan 18 (bao gồm cả Vietjet Air của Việt Nam), Hàn Quốc 13, Campuchia 6 và Singapore 5”.
Phó giáo sư Alberto Bernabeo, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Hàng không tại RMIT Việt Nam, chỉ ra rằng thị trường hàng không Việt Nam có tính cạnh tranh cao với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ.
“Việc tự do hóa thị trường hàng không quốc tế mang lại lợi ích cho hành khách và nền kinh tế bằng cách tăng cường cạnh tranh và giới thiệu các đường bay mới. Tuy nhiên, các vấn đề khác cần được giải quyết khi ngành này mở rộng”, Phó giáo sư Bernabeo nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam đã có những bước đi tích cực hướng tới tự do hóa thị trường du lịch hàng không kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, phù hợp với các nỗ lực của khu vực nhằm tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế.
Những chuyển đổi mang lại trong ngành hàng không sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN “đã làm tăng tính cạnh tranh và dẫn đến sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air và Bamboo Airways, giúp tăng khả năng chi trả và tiếp cận của hành khách đi máy bay, song hành với nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch và kinh tế”, bà Hương cho biết.
Vị thế chung của Việt Nam trong Hiệp định vận tải hàng không liên khối đầu tiên trên thế giới ASEAN-EU (AE-CATA) nêu bật sự tham gia của Việt Nam vào việc tự do hóa các dịch vụ vận tải hàng không giữa ASEAN và EU, với mục tiêu tăng cường kết nối hàng không, giảm giá vé máy bay, đẩy mạnh du lịch và cải thiện các hoạt động thương mại.
Các chuyên gia đều có cái nhìn tích cực kỳ vọng rằng thỏa thuận này sẽ củng cố tham vọng của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của khu vực như Singapore và Dubai.
Ông Kozlowski nhận định: “Hiệp định AE-CATA sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam như một cửa ngõ tự nhiên vào Campuchia và Lào, cho phép các doanh nghiệp lữ hành quảng bá những gói du lịch kết hợp và thúc đẩy tăng trưởng du lịch trong khu vực”.
Các chuyên gia đều nhất trí ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam hướng tới việc dần dần tự do hóa thị trường hàng không. Ông Koerner nêu rõ: “Việt Nam nên tập trung vào các biện pháp thúc đẩy mở rộng bền vững và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, chẳng hạn: nâng cấp hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay Long Thành và Lào Cai, tiếp tục tham gia các hiệp định hàng không song phương và đa phương, loại bỏ các rào cản gia nhập ngành, sửa đổi quy định về sở hữu hãng hàng không, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường pháp lý, tài chính và hoạt động hỗ trợ”.
Tiến sĩ Ribeiro kết luận bằng cách kêu gọi các bên liên quan ở mọi cấp độ, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, hỗ trợ các biện pháp nhằm tự do hóa hơn nữa thị trường hàng không Việt Nam. Ông tin rằng làm như vậy “sẽ cho phép Việt Nam tăng cường ngành hàng không, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố vị thế là điểm đến du lịch quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu”.