Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (vinasamex., jsc) cho biết: Nhiều năm qua doanh nghiệp VINASAMEX đã gặp không ít thách thức khi phải bố trí cân đối nguồn lực tài chính để học hỏi, mò mẫm thực hành ESG. Với VINASAMEX các khâu trong hoạt động chế biến cũng phải thay đổi để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. Tuy nhiên theo doanh nghiệp, tiêu chuẩn ESG còn nhiều tiêu chí chưa được rõ ràng, thiếu hướng dẫn nên doanh nghiệp chưa thể thực hiện.
Đồng quan điểm trên, Bà Trịnh Thị Minh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất MT Food chia sẻ: Doanh nghiệp đã sử dụng những nguyên liệu bảo vệ môi trường, tham gia trồng rừng, sử dụng năng lượng mặt trời, phát triển nông nghiệp hữu cơ, tất cả những cập nhật về bảo vệ môi trường đều được doanh nghiệp thực hiện.
Thế nhưng, theo bà Thùy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có đơn vị chứng nhận ESG chuẩn nào tại Việt Nam. MT Food đang phải thuê các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hỗ trợ thực hiện, kiểm tra theo các tiêu chuẩn của ESG để đạt được các chứng nhận.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, với năng lượng sạch trong sản xuất, các doanh nghiệp thực hiện ESG phải đảm bảo khai thác và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả, năng lượng sạch được khuyến khích sử dụng như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối…Thế nhưng hiện tại vẫn chưa có chính sách cho đầu tư, phát triển điện mặt trời mái nhà cho mô hình doanh nghiệp sản xuất, khiến những doanh nghiệp cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng xanh hóa cũng rất khó.
Bên cạnh các khung tiêu chuẩn quy định về ESG còn rối, thì nguồn vốn đầu tư cho ESG khá lớn, khiến doanh nghiệp còn phân vân chưa dám đầu tư áp dụng.
“Chúng tôi mong rằng sớm có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện ESG, đặc biệt là ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất được tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh. Việc ban hành bộ tiêu chí chuyển đổi xanh, thực hiện ESG đang được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể sớm khơi thông các điểm nghẽn về nguồn vốn này cho doanh nghiệp. Từ đó, các tổ chức tài chính quốc tế cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có hành lang pháp lý triển khai những dự án chuyển đổi xanh quan trọng”- đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Alena Energy, cho biết: Để tiết kiệm nhất có thể, chủ doanh nghiệp phải nắm được cách triển khai nhằm tận dụng các giải pháp công nghệ để thực hiện các tiêu chí của ESG. Hiểu được điều này, vừa qua công ty Alena Energy đã cho ra phần mềm EWORKM là giải pháp giám sát năng lượng đa tầng thông minh, kết hợp sức mạnh của hai công nghệ tiên tiến gồm: nền tảng quản lý năng lượng ICONICS EMS của Mỹ và công nghệ camera AI thông minh. Sự phối hợp này cho phép EWORKM điều khiển các hệ thống điện, nước, điều hòa, lưu trữ điện và trạm sạc một cách thông minh, tự động và hiệu quả. Đặc tính của giải pháp này giúp người sử dụng, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gồm các chức năng sau:
Một là, giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm thiểu 20% - 30% chi phí tiền điện mỗi năm, đây là yếu tố quan trọng góp phần tối ưu hóa chi phí vận hành và nâng cao lợi nhuận nhờ khả năng tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị điện, nước và điều hòa. Điều này không chỉ giảm gánh nặng chi phí vận hành mà còn nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hai là, giúp người sử dụng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Hệ thống tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị điện, nước, HVAC, đảm bảo sử dụng năng lượng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường.
Ba là, giúp người sử dụng bảo vệ môi trường từ công năng đo lường phát thải và truy vết phát thải khí nhà kính GHG theo thời gian thực. Từ đó, cung cấp cho khách hành bức tranh tổng quát về mức độ đã phát thải CO2 và có kế hoạch, giải pháp vận hành toà nhà, nhà máy phù hợp nhằm giảm phát thải khí nhà kính như mục tiêu đề ra.
Bốn là, thiết bị có khả năng quản lý thông minh, giúp cho hệ thống giám sát và điều khiển từ xa dễ dàng, tiện lợi qua giao diện web hoặc ứng dụng di động, nâng cao hiệu quả quản lý năng lượng và tiết kiệm thời gian. Ngoài ra EWORKM còn có chức năng cung cấp các phương án vận hành và bảo trì hệ thống hiệu quả, kéo dài tuổi thọ của thiết bị giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sửa chữa và tăng hiệu quả đầu tư.
Do đó có thể thấy hiểu được ESG và thực hiện các tiêu chí sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất sẽ không thể thiếu các giải pháp về công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nhu cầu về tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải nhà kính, hướng tới phát triển bền vững thì thực hiện ESG là nhiệm vụ không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp.
Chia sẻ tại lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Ngân hàng Nhà nước là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế. Ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Trước những mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp mong muốn sớm tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để thuận lợi hơn trong kế hoạch thực hiện ESG.