Đó là những nội dung được Sở KH&ĐT TP.HCM nêu ra trước những lo ngại về việc nhiều dự án bị ách tắc, trong đó có nhiều dự án đầu tư công được dự báo khó có thể giải ngân trong năm 2024.
Nhiều dự án gặp khó về mặt bằng, quy hoạch
Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đến nay TP.HCM có khoảng 193 dự án với khoảng 28.500 tỉ được các đơn vị kiến nghị khó khăn, vướng mắc, cần đẩy nhanh thủ tục để kịp giải ngân.
Đặc biệt, 43 dự án với tổng vốn hơn 3.100 tỉ đồng được các chủ đầu tư xác định không có khả năng giải ngân trong năm 2024. Hiện các dự án này đang vướng các thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, như: 2 dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng cần Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các địa phương đẩy nhanh thủ tục và bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công dự án; 23 dự án vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 và 1/2000. Hiện các dự án này đang thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc và 9 quận, huyện, TP Thủ Đức...
Trước những vướng mắc này, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM giao các sở chuyên ngành, các địa phương rà soát, có chính kiến để dự án thực hiện giải ngân hết số vốn theo kế hoạch năm 2024.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, qua rà soát tình hình thực hiện các chỉ đạo của UBND TP, nhiều kiến nghị chưa được các sở ngành, địa phương giải quyết dứt điểm, dẫn đến chưa thể giải ngân đạt kế hoạch. Trong đó, có đến 29 kiến nghị đã được UBND TP.HCM chỉ đạo đến 2 lần, nhưng các đơn vị vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường có 8 kiến nghị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có 11 kiến nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo có 1 kiến nghị, Thủ Đức có 4 kiến nghị, quận 3 có 2 kiến nghị, quận 5 có 1 kiến nghị, quận 8 có 1 kiến nghị và quận Bình Thạnh có 1 kiến nghị.
Bên cạnh đó, có 60 kiến nghị đã được UBND TP.HCM chỉ đạo 1 lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm liên quan đến các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính, Công an TP.HCM, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP Thủ Đức và nhiều quận huyện.
Nêu những lý do vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (BQL Đô thị), cho rằng năm 2024, BQL Đô thị có 53 dự án với khoảng 12.900 tỉ đồng, trong đó dự án bờ Bắc Kênh Đôi và rạch Xuyên Tâm có vốn giải phóng mặt bằng lên tới hơn 8.900 tỉ đồng.
Tại dự án rạch Xuyên Tâm, trên địa bàn quận Bình Thạnh có vốn 5.400 tỉ đồng, nhưng địa phương chưa có phương án chi trả bồi thường; với phần xây lắp khoảng 800 tỉ đồng, BQL Đô thị sẽ tổ chức khởi công vào tháng 8.
Cũng theo đại diện BQL Đô thị, nguyên nhân chính xuất phát từ việc không thể giải phóng được mặt bằng đã khiến cho các dự án không thể triển khai và điều này đã dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan
Đáng chú ý, trước những báo cáo của các đơn vị liên quan về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc 150 dự án, rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ về lý do chủ quan.
Cũng theo ông Mãi, đối với 43 dự án không thể giải ngân trong năm 2024, TP.HCM xử lý trách nhiệm các bên liên quan.
Đối với các dự án được xác định không có khả năng giải ngân trong năm, Chủ tịch UBND TP giao chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục, đeo bám quyết liệt tiến độ giải quyết tại các sở ngành liên quan để bảo đảm triển khai thi công và giải ngân vốn theo tiến độ đã cam kết.
Trong đó, Sở Nội vụ sẽ có nhiệm vụ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến việc chậm trễ. UBND TP.HCM sẽ xử lý trách nhiệm các bên có liên quan theo đúng quy định.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã phê bình Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận 3, 5, 8, Bình Thạnh và TP Thủ Đức chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị đã được UBND TP.HCM chỉ đạo dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị trên khẩn trương giải quyết dứt điểm khó khăn vướng mắc trước 20/6/2024, không được tiếp tục chậm trễ.
"Giao các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức phải quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP.HCM về rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan", ông Mãi nhấn mạnh.
Thủ trưởng các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan của các sở ngành.
Kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM để đôn đốc, giám sát và chỉ đạo giải quyết các khó khăn vướng mắc kịp thời, bảo đảm tiến độ đã đề ra.
Theo kế hoạch, năm 2024, TP.HCM được giao giải ngân vốn đầu tư công gần 80.000 tỉ đồng và đặt mục tiêu giải ngân trên 95%. Tuy nhiên, đến hết tháng 5 TP.HCM chỉ giải ngân được khoảng 14%. Đây là những vấn đề khiến lãnh đạo TP.HCM lo lắng và áp lực nếu không hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 như đã cam kết với Chính phủ.