Nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng trên vì Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang vẫn chưa được đầu tư bài bản, hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông chưa thực sự thuận tiện.
“Khó” đến với Khu kinh tế cửa khẩu
Để đến với Khu kinh tế phải trải qua muôn vàn thử thách khi Quốc lộ 14D dài hơn 70km qua địa phận huyện Nam Giang đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên vách bên núi, ở giữa nát tương, trục đường đối ngoại được xây dựng từ năm 2002 đến nay đang mất dần hình dạng. Trong khi đó lại là tuyến giao thông chính nối cửa khẩu quốc tế Nam Giang ở biên giới Việt - Lào với đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1, các cảng biển miền Trung.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu quốc tế Nam Giang còn nhiều hạn chế, các bến bãi phục vụ phương tiện đậu đỗ chờ làm thủ tục thông quan hàng hóa chưa được đầu tư. Nhà công vụ cho công chức viên chức của các cơ quan làm việc tại cửa khẩu không có, Khu nhà Trạm kiểm soát liên hợp được xây dựng nhưng công năng sử dụng bố trí địa điểm vị trí phòng làm việc chưa phù hợp với quy trình hoạt động nghiệp vụ,...
Với những bất tiện như trên, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang rất khó để có thể thu hút đầu tư tư. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy làm sao có thể thúc khu vực trở thành “vùng động lực”? Câu hỏi đã rất lâu nhưng chưa ai có thể trả lời.
Nhìn lại phía trước, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang được xác định là Khu kinh tế tổng hợp, là một trung tâm phát triển các ngành công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại cửa khẩu, kết hợp phát triển đô thị với tổ chức dân cư canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp. Khu vực cũng được xem là động lực phát triển khu vực vùng Tây tỉnh nói riêng và tỉnh Quảng Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương với vai trò cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan gắn với phát huy lợi thế cửa khẩu quốc tế và trục hành lang kinh tế Đông – Tây 2.
Tại báo cáo quý I/2024 của Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh cũng đã nêu rõ, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,8 triệu USD, giảm 52% so với cùng kỳ. Chỉ có hàng quá cảnh tăng 1.925.% so với cùng kỳ (200.026 tấn). Tổng số tiền thu phí qua cửa khẩu mới chỉ đến gần 4,4 tỉ đồng.
Những con số khá “èo ọt” so với tiềm năng, lợi ích từ cửa khẩu quốc tế mang lại. Nguồn thu chưa thể khiến địa phương có thể tự hào, nhưng vẫn không thể làm khác được. Vì đến nay, mọi chuyện vẫn đang tắc, các cơ quan thẩm quyền vẫn đang hồi xem xét, vẫn chưa thể có phương án triển khai sớm hơn.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Cục Hải quan Quảng Nam cho hay hiện tại loại hình xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Nam Giang chủ yếu là chở phương tiện xuất khẩu sang Lào, xe gỗ từ Lào về, quặng bauxite,... Vị này thông tin, tại khu vực xuất/nhập vẫn chưa có cân tải trọng, chưa có bãi hạ tải để phục vụ nhu cầu thông quan.
“Cửa khẩu quốc tế Nam Giang vẫn chưa được đầu tư nhiều, đường sá xuống cấp nặng nề. Vì vậy, để phát triển được khu vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, vị đại diện Cục Hải quan Quảng Nam cho hay.
Cần gì để phát triển?
Vào tháng 7/2023, UBND tỉnh cũng đã có đề xuất với Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 - 2030 để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo 2 giai đoạn. Với giai đoạn 1 cần có tổng mức đầu tư khoảng 730 tỉ đồng để mở rộng và nâng cấp, giai đoạn 2 khoảng 2 nghìn tỉ đồng để đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải có phương án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 14D từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ nguồn vốn cho Bộ. Bộ Giao thông vận tải cũng đã nghiên cứu, lập chủ trương đầu tư,... nhưng vẫn chưa thể cân đối được nguồn vốn.
Với bối cảnh hiện nay, Quảng Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút nguồn phương tiện vận tải bauxite từ Lào về Việt Nam để xuất hàng quá cảnh đi Trung Quốc tiêu thụ. Lợi thế xuất phát từ việc quãng đường đi theo hướng Quảng Nam sẽ được rút ngắn hơn 100km, Quảng Nam cũng có cảng biển nước sâu thuận lợi cho tàu lớn đến nhập hàng,...
Theo dự báo của Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Nam Giang, trong quý 2/2024 số lượng phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu sẽ tăng 150% và tăng 200% đến cuối năm 2024. Vì vậy để công tác quản lý, thông quan hàng hóa, phương tiện qua lại và công tác an ninh trật tự được đảm bảo, Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã đề nghị Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam sớm chỉ đạo Sở Giao thông vận tải có kế hoạch duy tu, sửa chữa thường xuyên và kịp thời các điểm bị hư hỏng nặng để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, kiến nghị Bộ giao thông vận tải trình Chính phủ đầu tư đường Quốc lộ 14D theo tiêu chuẩn đảm bảo giao thông kết nối.
Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh trình HDND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và bổ sung danh mục đầu tư công tại Tiểu khu 1 thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính bố trí kinh phí sửa chữa hệ thống Barie tại Tiểu khu 1 và đầu tư bổ sung Bốt gác tại Barie số 01 nay đã hỏng.
“Theo đề nghị của Cục Hải Quan tỉnh, trong quý II/2024 sẽ đầu tư trang bị máy soi chiếu kiểm tra hàng hoá, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp đã có ý kiến bằng văn bản thống nhất chủ trương để có vị trí lắp đặt phù hợp. Cục Hải quan cửa khẩu tỉnh làm việc với đơn vị cung cấp và lắp đặt thiết bị phối hợp với Ban Quản lý cửa khẩu khảo sát thực tế để có phương án đề xuất cụ thể phù hợp”, Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Nam Giang đề nghị.
Theo các ý kiến, việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14D, hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang là vô cùng cấp bách. Từ việc đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư cũng sẽ theo “dòng chảy” đổ về, đưa khu vực trở thành điểm đến đầu tư, hình thành Khu kinh tế phát triển. Từ đây, sẽ tạo điều kiện để khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Nam Giang bứt phá, mở cánh cửa phía Tây giao thương với các nước trong khu vực trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.