Ông Tống Ngọc Phi - Phụ trách Ban chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi xanh và bền vững là rất rõ ràng, tuy nhiên, quá trình này trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.

- Hải Phòng đang có những định hướng phát triển logistics xanh, logistics bền vững. Điều này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của Hải Phòng, thưa ông?

Trên thực tế, Hải Phòng là một trung tâm logistics lớn thứ 2 cả nước, so với TP Hồ Chí Minh. Nơi đây là cửa ngõ của cảng biển, lấy cảng biển làm trung tâm để vươn ra quốc tế trong vận tải biển và logistics toàn cầu.

Ở thời điểm hiện tại, đứng trước áp lực về chuyển đổi xanh của nền kinh tế thế giới cũng như các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về ESG thì logistics cũng là một hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đứng trước áp lực đó, logistics hiện nay không chỉ là xu hướng trong việc chuyển đổi xanh mà đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Điều này liên quan trực tiếp đến việc các nước Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đã và đang dựng lên một hàng rào thuế quan về carbon để bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế thế giới theo xu hướng bền vững. Chính vì vậy, ngành logistics Hải Phòng, các hoạt động logistics của Hiệp hội Hải Phòng cũng cần phải nhanh chóng nhận thức được vấn đề này, chuyển đổi xanh kịp thời để bắt nhịp được sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Tìm giải pháp phát triển logistics xanh

Khung phát triển logistics xanh. Nguồn: Sbihi&Eglese

- Với nhu cầu tất yếu như vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics cần phải làm gì để có thể đáp ứng yêu cầu này?

Với việc xác định cảng biển làm trung tâm, tất cả hàng hoá sau đó sẽ đi vào đất liền, đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh biên giới phía Bắc, Trung Bắc Bộ qua cửa ngõ Hải Phòng. Phương tiện vận tải cốt lõi hiện đang sử dụng ở đây chính là một lực lượng đầu kéo rất lớn đang chạy bằng nhiên liệu hoá thạch với khoảng 15.000 đầu kéo tại Hải Phòng và khoảng 10.000 -15.000 xe đầu kéo đến từ các tỉnh lân cận. Như vậy, tổng cộng phương tiện xe đầu kéo ra vào TP. Hải Phòng rơi vào khoảng 25.000 - 30.000 phương tiện.

Đứng trước áp lực chuyển đổi từ nguồn nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu xanh là một áp lực về vốn rất lớn mà không thể thực hiện được trong một sớm, một chiều. Chính vì vậy, Hiệp hội Logistics Hải Phòng đã đặt ra vấn đề, tìm ra một chuỗi các giải pháp để giảm áp lực này và chuyển đổi xanh từng phần cho các hoạt động logistics của Hải Phòng trong hiện tại và tương lai.

- Hoạt động chuyển đổi số trong quá trình phát triển logistics xanh, logistics bền vững của các doanh nghiệp sẽ là một phần của giải pháp, thưa ông?

Trên thực tế, việc chuyển đổi số quá trình phát triển logistics xanh, logistics bền vững của các doanh nghiệp hiện tại không chỉ là xu hướng mà đã trở thành tất yếu. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cần phải gắn liền với nhau, đi sâu vào các hoạt động của từng doanh nghiệp, của các doanh nghiệp trong một thành phố, trong một vùng ví dụ như: Vùng đồng bằng sông Hồng hoặc trong phạm vi lớn hơn của cả nước để làm sao chúng ta cùng song hành, gắn kết được chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và xa hơn nữa là kinh tế tuần hoàn.

Tìm giải pháp phát triển logistics xanh


- Khi nhìn vào quá trình phát triển của logistics xanh và bền vững của các doanh nghiệp vẫn thấy còn nhiều thách thức. Vậy giải pháp ở đây là gì, thưa ông?

Bản thân nền kinh tế của Việt Nam đã là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu thì hoạt động logistics cũng như vậy, cũng trở thành một phần của chuỗi cung ứng liên tục có tác dụng tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Do vậy, chúng ta phải đặt trong một mối tương tác liên kết xanh - số - tuần hoàn – vùng - các doanh nghiệp và các hiệp hội với nhau.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số hiện chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm và làm tốt bởi các doanh nghiệp cho rằng có rất nhiều khó khăn, rào cản. Thực ra, việc thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi ngành logistics hay trong một vùng, trong phạm vi quốc gia thì nó đòi hỏi sự nhận thức, vào cuộc rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị, cũng như tất cả các ngành nghề. Chính vì vậy, ngành logistics cũng không là ngoại lệ và cũng đòi hỏi sự liên kết rất lớn giữa các cơ quan chính phủ, các chính quyền địa phương cũng như các cơ quan trong hiệp hội các doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!