Báo cáo của Hội đồng thẩm định cho hay, để hoàn thành dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có tổng mức đầu tư khoảng 18.120 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 36% tổng mức đầu tư của dự án), vốn của nhà đầu tư là 1.743 tỷ đồng, vốn vay và huy động khác là 9.877 tỷ đồng (chiếm khoảng 64% tổng mức đầu tư của dự án). Thời gian hoàn vốn 28 năm 7 tháng.
Do khả năng hoàn vốn dài, dẫn đến chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn khi văn vốn. Do đó, Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản số 734/2024/DCG do Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Vĩnh ký gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất các phương án tài chính khả thi cho dự án.
Trong phương án Tập đoàn Đèo Cả đề nghị tỉnh Lâm đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất: Bổ sung thêm ngân sách trung ương hoặc đề xuất HĐND tỉnh cân đối ngân sách địa phương tăng khoảng 2.410 tỷ đồng cho Dự án Tân Phú - Bảo Lộc để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật PPP, giảm thời gian hoàn vốn cho Dự án. Qua đó mới thu hút được các nguồn vốn tham gia, tăng tính khả thi về phương án tài chính cho Dự án.
Đồng thời bổ sung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm cho Dự án theo quy định tại Điều 82 của Luật PPP để hài hòa lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm soát chi phi đền bù giải phóng mặt bằng. Sớm chuẩn bị các tiểu dự án xây dựng khu tái định cư nhằm xác lập mục tiêu sớm ổn định đời sống của người dân nơi có dự án đi qua, không đề phát sinh tăng, khiếu nại tranh chấp làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư và tiến độ hoàn thành.
Thống nhất vị trí trạm dừng nghỉ của Dự án tại Km123+000 (bên trái) và Km124+100 (bên phải) với quy mô tối thiểu là 10ha mỗi bên. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có ý thống nhất và điều chỉnh quy hoạch trạm dừng nghỉ toàn tuyến.
Có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về việc sớm triển khai dự án Dầu Giây - Tân Phú (hoàn thành năm 2027) và đôn đốc thực hiện dự án Bảo Lộc – Liên Khương hoàn thành trong cùng giai đoạn này. Trên cơ sở điều chỉnh phương án tài chính khả thi, báo cáo Hội đồng thẩm định liên ngành trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trước vấn đề này, ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, các địa phương và đơn vị có liên quan xem xét nội dung đề xuất của Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 26/6/2024.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay: “Trên nguyên tắc tiết kiệm ngân sách nhà nước nhất, giảm thời gian thu phí xuống gần với mức kỳ vọng của các Bộ, ngành thì ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án khoảng 50% tổng mức đầu tư (tương ứng 8.910 tỷ đồng, tăng 2.410 tỷ đồng sơ với chủ trương đầu tư được duyệt). Nhà đầu tư sẽ thu xếp 9.070 tỷ đồng, thì thời gian hoàn vốn giảm xuống còn là 20 năm 02 tháng”.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng mong muốn địa phương cần phải bổ sung cơ chế chia sẻ doanh thu để thu hút nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.