Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa đã nhắc lại các sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian gần đây đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho công nghệ bán dẫn của Việt Nam. Đặc biệt, tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam, hầu hết là các doanh nghiệp công nghệ.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp công nghệ của Mỹ. Ngoài những “ông lớn” sản xuất chip hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam, một số hãng công nghệ lớn đang tìm hiểu các cơ hội hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Đây được nhận định là bước tiến mới của Việt Nam, rộng mở cơ hội để các doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường được định giá nghìn tỷ đô.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, sự thay đổi địa chính trị, kinh tế thế giới đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Cơ hội này đến từ các ngành khoa học công nghệ, nhất là công nghệ máy tính, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn.
Đặc biệt, Việt Nam đã có tên trên bản đồ chế tạo chip. Hiện, Việt Nam đang chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, xét về doanh số, Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. Trong đó, đáng chú ý, đã có con chip 100% do người Việt Nam làm chủ và sản xuất tại Việt Nam từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng.
Sự phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang sôi động trong thời gian gần đây sau khi các “ông lớn” toàn cầu trong ngành công nghệ tỷ đô này liên tục đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Intel – một trong ba nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư 4 tỉ USD mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.Hồ Chí Minh. Các công ty bán dẫn lớn khác của Mỹ như Amkor dự kiến khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh trong tháng 10 tới hay NVIDIA hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong nước đưa công nghệ AI vào các ngành như dịch vụ đám mây, ô tô và y tế…
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới khác đến từ Đức, Hàn Quốc đã và đang có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Mới đây nhất, tập đoàn Hana Micron Vina của Hàn Quốc đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang và là nhà máy đầu tiên ở miền Bắc trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Ngoài ra, các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới của Mỹ như Synopsys, Marvell cũng đã có kế hoạch hợp tác hoặc đầu tư xây dựng trung tâm ươm mầm và thiết kế bán dẫn. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong ba công đoạn sản xuất chip, bao gồm thiết kế, sản xuất và đóng gói. Ở trong nước, đại học FPT đã công bố thành lập khoa Vi mạch bán dẫn vừa bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao vừa đầu tư một cách bài bản và chiều sâu để chủ động tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển công nghệ AI.