Các doanh nghiệp trong nước gần đây đã quan tâm, chú trọng hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh mới gắn với tư duy kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững – TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá.
Ở cấp độ lớn hơn, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã hình thành và phát triển theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lực kéo cho thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Võ Trí Thành, sự chuyển đổi trên là tất yếu khi doanh nghiệp bắt đầu “thấm” hơn về khái niệm “tồn tại hay không tồn tại”. Theo điều tra, tại các thành phố lớn của nước ta, thế hệ tiêu dùng xanh nhiều nhất không phải là những người trung niên mà chính là các bạn trẻ gen Y và gen Z. Thế hệ này rất xanh, văn minh và đang lan toả mạnh mẽ thông điệp tiêu dùng xanh.
Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp và buộc doanh nghiệp phải thay đổi. VCCI cũng nêu rõ tất cả những doanh nghiệp có tinh thần chuyển đổi xanh về phương thức kinh doanh đều có sức chống chịu tốt hơn trong đại dịch COVID – 19 và trong khó khăn.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị những chương trình hành động, nghiên cứu các, cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Chính sách quan trọng nhất, theo TS. Võ Trí Thành chính là sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho kinh tế tuần hoàn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến cho dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế. Thông tin về nội dung này, ông Lại Văn Mạnh – Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: từ những ý kiến đóng góp được tiếp thu, có một số nội dung trong quan điểm, mục tiêu của dự thảo Kế hoạch được chỉnh sửa.
Cụ thể, tăng hơn nữa tính kinh tế của kinh tế tuần hoàn; lấy động lực của thị trường, của lợi nhuận thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; tập trung hướng đến 2 chủ thể chính là nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và các kế hoạch hành động thế giới, có 55 hành động cụ thể được lựa chọn để đưa vào dự thảo Kế hoạch và được chia thành 5 nhóm chủ đề hành động. Đó là nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn; rà soát, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoặc bổ sung quy định phù hợp; rà soát, đánh giá hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn đảm bảo hài hoà với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế đang được công nhận.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 2 chủ thể chính trong kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ kỹ thuật góp phần hình thành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, tiêu dùng bền vững. Cuối cùng là nhóm giải pháp liên kết, hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của hiệp hội, ngành nghề trong thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua việc xây dựng tài liệu hướng dẫn, phổ biến mô hình hay, bài học tốt.
Ngoài ra, trong việc xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, theo ông Lại Văn Mạnh, qua làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp; từ khuyến nghị của các nhà khoa học, chuyên gia và dựa trên phương pháp đánh giá mức độ sẵn sàng trong kinh tế với các chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng về quy định pháp luật, sẵn sàng về thực tiễn, sẵn sàng về mức độ phát sinh chất thải… đã bước đầu chọn 35 ngành, lĩnh vực.