Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương và đơn vị liên quan dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là kéo dài cao tốc Bắc – Nam phía Đông tới Đất Mũi và bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum.
Cụ thể, theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ do Cục Đường bộ VN lập, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông được bổ sung thêm đoạn Cà Mau – Đất Mũi dài 90km, 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Với số km tăng thêm này, cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ dài 2.153km, quy mô 4-10 làn xe (hiện quy hoạch 2.063km).
Như vậy tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ xuyên suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) thay vì đến TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay.
“Việc bổ sung cao tốc Cà Mau – Đất Mũi dựa trên dự báo lưu lượng đến năm 2030 đoạn từ TP Cà Mau đến Đất Mũi khoảng 18.300 – 20.100 PCU (xe con quy đổi/ngày đêm), do vậy cần thiết hình thành tuyến đường cao tốc 4 làn xe đảm bảo đồng bộ đoạn tuyến Cần Thơ – Cà Mau. Đồng thời gắn liền với quy hoạch tỉnh Cà Mau về phát triển cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau…”, đơn vị lập quy hoạch cho biết.
Đoạn cao tốc Bến Lức (Long An) – Trung Lương (Tiền Giang) thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng được đề xuất tăng lên 8 làn xe thay vì 6 làn xe như quy hoạch hiện có.
Việc tăng số làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải khoảng 78.700 – 85.100 PCU/ngày đêm trên đoạn Bến Lức – Trung Lương (dài 40km) là trục động lực kết nối trung tâm kinh tế – xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM.
Với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, dự thảo đề xuất bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum dài 136km, 4 làn xe. Đây là tuyến cao tốc thứ 11 của khu vực, có điểm đầu tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), điểm cuối tại TP Kon Tum. Cao tốc này được đề xuất đầu tư trước năm 2030.
Việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kom Tum để hình thành thêm trục Đông – Tây kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ khi quốc lộ 24 được dự báo không đáp ứng được lưu lượng đến năm 2030 khoảng 14.800 – 18.100 PCU/ngày đêm.
Ngoài ra dự thảo điều chỉnh quy hoạch đề xuất đầu tư sớm, tăng số làn xe, điều chỉnh chiều dài 5 tuyến cao tốc phía Bắc, 3 tuyến cao tốc qua miền Trung – Tây Nguyên và 5 tuyến cao tốc phía Nam.
Với đề xuất điều chỉnh như trên, hệ thống đường cao tốc cả nước sẽ có 42 tuyến (tăng thêm 1 tuyến Quảng Ngãi – Kon Tum), tổng chiều dài 9.263km (hiện quy hoạch 9.014km).
Trong đó cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 2.153km; cao tốc phía Bắc (14 tuyến) dài 2.313km, quy mô 4 – 6 làn xe (hiện quy hoạch 2.305km); cao tốc khu vực miền Trung – Tây Nguyên (từ 10 lên 11 tuyến) dài 1.532km, quy mô 4 – 6 làn xe (hiện quy hoạch 1.431km); cao tốc phía Nam (10 tuyến) dài 1.340km, quy mô 4 – 10 làn xe (hiện quy hoạch 1.290km).
Các tuyến cao tốc vẫn giữ nguyên theo quy hoạch đã có gồm cao tốc Bắc – Nam phía Tây từ TP Tuyên Quang đến TP Rạch Giá dài khoảng 1.205km, quy mô 4 – 6 làn xe; 3 tuyến vành đai đô thị thủ đô Hà Nội dài khoảng 429km, quy mô 6 làn xe; 2 tuyến vành đai đô thị TP.HCM dài khoảng 291km, quy mô 8 làn xe.
Thông tin từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với tổng số vốn hơn 46.400 tỷ đồng được bố trí trong năm 2023, tính đến hết tháng 10/2023, dự án đã giải ngân được hơn 33.200 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.
Về vấn đề này, tại phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong giai đoạn 2021-2026 đã giành 375.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng hạ tầng, trong đó chủ yếu xây dựng đường cao tốc. Tuy nhiên, ngân sách này mới chỉ đạt 70% nhu cầu.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là khó khả thi. Thực tế, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia.. và một số quốc gia châu Âu đều phải phân kỳ đầu tư với cao tốc.
Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư và Nguyên tắc ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn và chỉ phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt nền đường. Các hạng mục kỹ thuật, giải phóng mặt bằng thì chỉ làm một lần. Có nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh như Hà Nội-Hải Phòng, Bến Lức-Long Thành, Phan Thiết-Dầu Giây…
Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch nâng cấp các cao tốc 2 làn xe trong thời gian tới, dựa trên thực tế lưu lượng xe và khả năng của ngân sách.