Chương trình “Festival Nông sản – Văn hoá – Ẩm thực – Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức từ ngày 16 đến ngày 19/11/2023 tại khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Văn Hiến, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.
Cơ hội quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm
Không gian Festival được thiết kế đẹp mắt, dàn dựng hoàn toàn trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động trong thời gian diễn ra Festival. Ông Trần Bá Quang, Chủ cơ sở chế biến tinh bột nghệ tại Hà Tĩnh tỏ rõ nét mặt vui mừng nói: Các chương trình hội chợ do HPA – Hà Nội tổ chức chúng tôi đều tham gia. Qua các chương trình hội chợ ngoài việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ nếp đỏ… đến người tiêu dùng Thủ đô chúng tôi còn có cơ hội kết nối có thêm được đối tác, bạn hàng, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Tôi xin cảm ơn Thành phố Hà Nội, cảm ơn HPA đã tạo cơ hội cho chúng tôi kết nối, giao thương, phát triển” ông Quang nói.
Còn DS Phan Thị Ngọc, Công ty CP quốc tế ALPHARCO cho rằng: Qua việc tham gia các chương trình, sự kiện của HPA – Hà Nội tổ chức, sản phẩm trà túi lọc Dây Thìa Canh đạt hạng sản phẩm OCOP 3 sao của công ty được nhiều người tiêu dùng biết đến, công ty còn có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận. Đặc biệt, từ việc tham gia các chương trình, hội chợ công ty được học hỏi thêm kinh nghiệm, nhận thức trong kinh doanh… từ đó công ty đã cải tiến mẫu mã, định vị nhận diện sản phẩm nhằm chống gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái, hàng kếm chất lượng ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của công ty.
Nhìn nhận góc độ khác, bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghệ Nhật Bản (KochiGold) với thương hiệu Kochi là doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nguồn gốc nông sản, dược liệu (Tỏi đen, Hà thủ ô đỏ, Táo đỏ, Nghệ, Đông trùng hạ thảo,…) bộc bạch: Việc tham gia Festival giúp chúng tôi nhận biết được đối thủ trong ngành của mình là ai cũng như tầm nhìn của họ là gì, để từ đó có những chiến lược cạnh tranh hiệu quả hơn. Mặt khác, chúng tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm đến tận tay người dùng qua các phần quà, đồng thời ghi nhận trực tiếp các phản hồi và ý kiến từ người tiêu dùng để từ đó có thể cải tiến và hoàn thiện sản phẩm, cũng như có kế hoạch quảng bá sản phẩm của công ty.
“Sân chơi” kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm các doanh nghiệp… cả nước
Trao đổi với DĐDN tại Lễ khai mạc tối 16/11/2023, đại diện đơn vị tổ chức, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) cho biết: Tiếp nối thành công tại các huyện Đông Anh, Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn trong năm nay, “Festival Nông sản – Văn hoá – Ẩm thực – Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023” là sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng có quy mô khoảng 90 gian hàng và các không gian quảng bá, trên 1.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, OCOP tiêu biểu của huyện Đan Phượng, của thành phố Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Chương trình được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên; Đây cũng là cơ hội để chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương.
“Các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP được chứng nhận; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, … có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống. Đây cũng là dịp UBND huyện Đan Phượng tổ chức Lễ hội Văn hóa, Ẩm thực, Du lịch năm 2023 để giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, du lịch trên địa bàn Huyện thông qua các hoạt động văn hóa, ẩm thực, du lịch và trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của huyện” ông Dương khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nhìn nhận: “Festival Nông sản – Văn hoá – Ẩm thực – Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để huyện Đan Phượng gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu các giá trị văn hoá, quảng bá tiềm năng du lịch và cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP đến thị trường trong và ngoài huyện, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện…
“Là cơ hội để huyện thu hút các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, với những tài nguyên sẵn có của huyện” ông Nam cho hay.
Theo đại diện Ban tổ chức, trong các ngày diễn ra Chương trình, nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa sẽ được tổ chức như, liên hoan ẩm thực huyện Đan Phượng; quảng diễn cháo se lập kỷ lục GUINNESS Việt Nam; trình diễn các loại hình văn hoá phi vật thể chèo tàu, ca trù…; liên hoan Diều truyền thống; trải nghiệm các trò chơi dân gian; tham quan thực tế ảo quảng bá ẩm thực huyện Đan Phượng… Trong đó, điểm nhấn là Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp Thành phố Miếu Diều, xã Hồng Hà và liên hoan nấu “Cháo se xã Hạ Mỗ”.
“Huyện Đan Phượng mong muốn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản; trải nghiệm không gian văn hoá, du lịch tới đông đảo du khách trong và ngoài huyện với thông điệp “Đan Phượng – Điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” ông Nam nhấn mạnh.