Ứng dụng “gọi rác thải” VECA vừa được Coca-Cola Việt Nam chọn làm đối tác cho chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”.
Với chương trình này, VECA đảm nhận phần thu gom. VECA là một ứng dụng với hai phiên bản riêng biệt dành cho người mua và người bán, có mô hình giống như gọi xe công nghệ. Mỗi khi người tiêu dùng có chai nhựa rỗng đã qua sử dụng, (trong chương trình này là chai đồ uống Coca-Cola) họ sẽ đăng lên ứng dụng, đặt lịch hẹn và địa điểm thuận tiện để người thu gom đến lấy. Đổi lại, người tiêu dùng sẽ có điểm tích lũy để đổi quà.
Chương trình này là một phần trong tầm nhìn toàn cầu của Coca-Cola “Vì một thế giới không rác thải”. Họ đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi chai và lon Coca-Cola bán ra trên toàn cầu đều được thu gom, tái chế, đồng thời sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong sản xuất bao bì.
Coca-Cola từng thực hiện nhiều cải cách nhằm phục vụ mục tiêu này, như làm chai nhựa từ 100% nhựa tái chế, hoặc in thông điệp “Tái chế tôi” lên bao bì sản phẩm. Chương trình tái chế lần này hứa hẹn cũng sẽ được đầu tư và duy trì lâu dài.
Việc bắt tay và tham gia vào một chiến dịch dài hơi của Coca-Cola có thể xem là một thành công của VECA. Điều này càng đúng khi VECA mới chỉ ra mắt người dùng vào 10/2020. Thậm chí họ còn từng nhận những phản hồi không mấy khả quan khi lên chương trình Shark Tank mùa 5 tập 10 (năm 2022).
Lúc ấy, 2 nhà sáng lập VECA gọi vốn 7 tỷ đồng để đổi lấy 15% cổ phần. Theo những gì trình bày trên Shark Tank, giá phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa, theo khu vực, biến động tùy thị trường chứ công ty không tự đặt ra.
VECA phân tích rằng mô hình của họ sẽ giúp người bán chủ động thời gian và nắm được biểu giá phế liệu, còn người mua sẽ có khả năng thu mua được nhiều hơn, không còn phải bỏ sức đi rong ruổi trên nhiều tuyến đường. Đồng thời, các vựa ve chai nhỏ trong nội thành cũng có giải pháp quản lý, góp phần ổn định đầu vào – đầu ra.
Về tình hình kinh doanh, VECA cho biết doanh thu trong vòng 6 tháng của họ (tính từ 12/2021) là 1,56 tỷ đồng, đến từ hai nguồn chủ yếu là các chương trình thu hồi bao bì cho nhãn hàng và từ việc thu mua ve chai.
Lúc ấy, Shark Bình nhận định tần suất khách sử dụng dịch vụ không cao là một điểm yếu chí mạng của mô hình VECA. Đa số các shark khác cũng từ chối rót vốn vào VECA vì không nhìn thấy tiềm năng. Chỉ có Shark Hưng đồng ý đầu tư 7 tỷ lấy 49% cổ phần. Tuy nhiên 2 nhà sáng lập VECA dã từ chối đề nghị vì yêu cầu cổ phần quá lớn.
Thế nhưng chỉ sau một năm xuất hiện và bị từ chối ở Shark Tank, mảng làm ăn của VECA lại tốt lên bất ngờ. Đến tháng 7/2023, theo thông tin trên website VECA, đã có 80 tấn phế liệu và 100 tấn vỏ hộp sữa được thu gom qua ứng dụng, 3.400 lượt tải xuống và tăng thị trường thêm 7 quận. Không chỉ vậy, họ còn trở thành đối tác thu gom rác cho Saigon Co.op, Tetra Park Việt Nam và mới đây nhất là Coca-Cola.
Với xu hướng phát triển bền vững và những cam kết về môi trường của Việt Nam, những mô hình như VECA đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn, sẽ ngày càng được ưu tiên và tập trung xây dựng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 đến năm 2025.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác thì phải bảo đảm tín chỉ các-bon, chứng minh giảm thiểu được phát thải các-bon và tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế trong từng sản phẩm.
Nhận định về xu hướng này, ông Hồ Kiên Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh: “Đây chính là thời cơ để ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải Việt Nam phát triển”.
Như vậy có thể thấy, không giống như các “shark” nhận định 1 năm trước, mô hình thu gom rác thải rất có tiềm năng. Và càng nhiều “kiểu VECA” xuất hiện, thì không chỉ môi trường có lợi, mà nền kinh tế Việt Nam cũng có lợi.