Lần đầu tiên thấy lợi nhuận
Mới đây, Uber thông báo trong báo cáo thu nhập hàng quý cho quý 2 năm 2023 về lợi nhuận hoạt động, một con số khả quan với tình hình tài chính của công ty, lợi nhuận đem về 326 triệu USD với dòng tiền tự do là 1,14 tỷ USD, tin tức đã được Bloomberg chia sẻ.
Theo Uber, việc lượng hành khách đang bắt đầu quay trở lại mức trước đại dịch ở Mỹ và Canada và trên hết là Uber đang chứng kiến nhu cầu chưa từng có đối với việc giao đồ ăn thông qua Uber Eats trong bối cảnh nền kinh tế siêu lạm phát khiến các công ty tăng giá thực phẩm và đồ uống tùy ý, đã đem lại những món lợi nhuận đầu tiên trong lịch sử “đốt tiền” của công ty.
Bên cạnh đó, Uber cũng tuyên bố rằng số lượng tài xế đã tăng 33% trong quý vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng chuyến đi đã tăng 26% trong cùng khung thời gian.
Giám đốc điều hành Uber, Dara Khosrowshahi cho biết trong một tuyên bố được trích dẫn bởi Bloomberg: “Cả hai cột mốc này đều đạt được nhờ sự kết hợp của việc thực hiện có kỷ luật và lượng khách hàng kỷ lục”. Ông cũng cho biết Uber “có vị trí tốt để duy trì việc tạo ra lợi nhuận trong tương lai”.
Con đường lợi nhuận của Uber?
Trên thực tế, Uber, công ty khởi nghiệp gọi xe được thành lập vào năm 2009. Trong nhiều năm, công ty có trụ sở tại San Francisco, với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào, đã đốt hàng tỷ đô la tiền mặt để giành thị phần và thu hút khách hàng nhanh chóng. Lợi nhuận trong mảng giao đồ ăn và gọi xe rất mỏng do tiền được chia đều giữa khách hàng, tài xế và công ty. Ý tưởng của Uber là thu hút nhiều khách hàng và thống trị lĩnh vực của mình để cuối cùng đạt được lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, đã phải chịu những khoản lỗ đáng kể kể từ khi thành lập. Dưới áp lực từ các nhà đầu tư, Uber đã buộc thực hiện những cắt giảm mạnh mẽ đối với hoạt động kinh doanh của mình, từ việc cắt giảm ít nhất 14% lực lượng lao động đến việc rời khỏi thị trường để bán đơn vị tự lái với giá 4 tỷ USD.
Có thể nói, kể từ khi Dara Khosrowshahi đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành tại Uber vào tháng 8 năm 2017, tầm nhìn của ông đối với Uber với mục tiêu trở thành “Amazon của ngành vận tải” đã ngày càng được hiện thực hóa.
Uber đã cho thấy mình phản ứng nhanh với đại dịch COVID-19 như thế nào khi thực hiện các biện pháp cắt giảm nhân sự và tái cấu trúc công ty một cách mạnh mẽ nhất có thể.
Bên cạnh đó, công ty đã bán bớt những gì không mang tính chiến lược khi bán đơn vị xe tự lái có tên Advanced Technologies Group (ATG) với giá 4 tỷ USD và các cổ phần trị giá 400 triệu USD trong Careem cùng cổ phần trị giá 392 triệu USD trong Zomato.
Ngoài ra, họ đã rất dứt khoát khi rời bỏ các thị trường nơi không thể sinh lời hoặc bị cạnh tranh khốc liệt. Họ rời thị trường Israel và bỏ qua mảng giao đồ ăn ở Ý, những nơi có thể được coi là “gân gà” của Uber.
Chưa hết, Uber chuyển sang đẩy mạnh UberOne, một dịch vụ đặc quyền cho thành viên (giống như kiểu Amazon Prime của Amazon) và phát triển nó lên 12 triệu thành viên (gấp đôi so với năm trước). Do ưu đãi nhiều hơn cho các thành viên UberOne, nên biên lợi nhuận thấp hơn thông thường. Nhưng vì đặt xe nhiều hơn và có tỷ lệ sử dụng lại cao hơn, nên tạo ra tổng doanh thu trung bình cao hơn. Về lâu dài, có nhiều lợi nhuận hơn.
Nhìn chung, việc “đốt tiền” để phát triển thị trường và tăng trưởng người dùng luôn là những yếu tố chính của Uber nói riêng và các nền tảng gọi xe công nghệ khác nói chung. Để có được lợi nhuận ngày nay, con đường của Uber cũng không đơn giản, công đầu có lẽ phải gọi tên sự quyết đoán của Ban lãnh đạo công ty và đặc biệt là CEO Dara Khosrowshahi.