Hàng không tìm cách “thúc” khách bay

Hành khách khởi hành từ Paris trên các chuyến bay của hãng hàng không Pháp, Air France sẽ không cần phải xách hành lý ra sân bay nữa, mà chỉ cần bỏ những địa điểm nhất định trong nội ô. Air France sẽ lo nốt phần còn lại.

Dịch vụ mới tung ra này của Air France cho phép hành khách đi chơi và di chuyển ra sân bay nhẹ nhàng hơn, yên tâm hơn mà không phải lo lắng về hành lý, vốn cồng kềnh và thường sẽ tốn thêm ít tiền khi phải thuê xe đi ra sân bay.

Dịch vụ này được Air France phối hợp với Alltheway, một công ty khởi nghiệp sáng tạo chuyên về du lịch và di động, tung ra.

Điểm nhận hành lý là những khách sạn nằm ở trung tâm thành phố Paris, như Novotel Tour Eiffel, Mercure Tour Eiffel, Novotel Les Halles, Mercure Montparnasse hay Pullman Bercy. Ngoài ra còn có ở các địa điểm triển lãm chính của các hội chợ thương mại lớn như Paris Expo Porte de Versailles, Trung tâm Triển lãm Villepinte hay trung tâm hội nghị Palais des Congrès. Liên minh hàng không- startup này tuyên bố sẽ nhanh có thêm nhiều điểm ký gửi hành lý nữa ở Paris.

Alltheway sẽ chịu trách nhiệm nhận hành lý, mang ra sân bay, làm thủ tục và gửi theo chuyến bay của hành khách. Dĩ nhiên, hành lý cũng trải qua đủ quá trình kiểm tra an ninh ở mọi giai đoạn của quy trình trước khi được đưa lên chuyến bay của khách hàng. Hành khách có thể theo dõi tình trạng hành lý của mình từ phần mềm ứng dụng của hãng hàng không Air France.

Cũng ý tưởng “cho hành khách nhẹ hành lý”, tháng trước, hãng hàng không Nhật, Japan Airlines cũng vừa tung ra dịch vụ cho thuê quần áo để khách du lịch đến Nhật sẽ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều vì có thể tiết kiệm được kha khá diện tích hành lý do không cần phải mang theo nhiều quần áo.

Với sáng kiến này, “size vali” của mỗi một hành khách khi bay đến Nhật sẽ nhỏ hơn rất nhiều. Giờ đây, khách du lịch sẽ dễ dàng thuê những trang phục trong chuyến đi với giá cả “phải chăng”. Theo ước tính, chi phí thuê sẽ dao động ở mức từ 4.000 yên đến 7000 (khoảng 28 USD – 49 USD) và giá này sẽ tùy thuộc vào số lượng mặt hàng, trang phục, nhãn hiệu, v.v..

Tất cả những sáng kiến này đều là nỗ lực kéo khách du lịch quay trở lại của các hãng hàng không. Mặc dù các biện pháp phòng dịch đã được gỡ bỏ hơn 1 năm nhưng tình hình du lịch vẫn chưa hồi phục như mong đợi.

Mỗi năm, Paris đón khoảng 35 triệu đêm lưu trú tại hơn 2.000 khách sạn, nhà nghỉ của khách du lịch. Trong đó quá nửa là khách du lịch quốc tế. Nhưng bây giờ, tỉ lệ lấp phòng của Paris hiện chỉ ở khoảng 27%. Các khách sạn cao cấp thậm chí chỉ xấp xỉ 15%.

Nhật cũng vậy, mặc dù đã gỡ bỏ các rào cản đi lại do COVID-19 nhưng khách du lịch đến đất nước Mặt trời mọc vẫn chưa hồi phục. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong tháng 5 nước này đón 1,9 triệu lượt khách, con số này tương đương 70% so với mức cùng kỳ hồi năm 2019.

NHƯ VẬY LÀ

Du lịch là một nguồn thu chính của các hãng hàng không. Du lịch ảm đạm tức là hàng không cũng thất thu. Thành thử, các hãng hàng không phải tìm đủ mọi cách để khuyến khích khách bay trở lại. “Giảm tải hành lý” là những sáng kiến khá thiết thực và hứa hẹn sẽ được khách bay đón nhận nhiệt tình.