Shogun Burger được mệnh danh là burger hàng hiệu của Nhật Bản, với giá bán mỗi chiếc từ 1.400 đến 2.800 yên (tương đương với khoảng 236.000đ – 470.000 đồng). Thương hiệu này chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên cho hành trình tiến ra thị trường quốc tế. Ngoài những món burger đặc trưng làm nên thương hiệu, Shogun còn ra mắt các sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, chẳng hạn sử dụng pate kết hợp giữa thịt bò Nhật Bản và Việt Nam, hoặc bánh mì burger.
Mảnh đất “dữ”
Có lẽ trước khi quyết định đặt chân đến Việt Nam, Shogun Burger đã (hoặc phải) biết Việt Nam không phải mảnh đất hứa cho các chuỗi burger. Chẳng hạn McDonald’s vẫn dậm chân ở con số 32 cửa hàng sau 7 năm gia nhập. Còn Subway, chuỗi thức ăn nhanh với 44.000 cửa hàng tại 100 quốc gia, cũng chỉ mở được 1 cửa hàng ở Việt Nam sau hơn 10 năm.
Nguyên nhân gì khiến Việt Nam trở thành thị trường khó khăn như vậy với những McDonald’s hay Subway? Câu trả lời là vì khi đến Việt Nam, mọi thế mạnh của các chuỗi thức ăn nhanh đều không còn. Chẳng hạn, tốc độ phục vụ là một trong những giá trị cốt lõi của các chuỗi burger. Nhưng tại Việt Nam, tốc độ ấy không “là gì” so với những hàng quán bún phở, bánh mì địa phương. Các món bún mì phở thường có nước dùng được chuẩn bị trước, khách đến ăn chỉ cần cho nguyên liệu vào tô và cho nước dùng vào. Hoặc đối với bánh mì, người bán cũng không mất nhiều thời gian để xẻ bánh mì và cho nhân vào giữa. Vậy nên đôi khi tốc độ ra món của chuỗi “thức ăn nhanh” còn không nhanh bằng các hàng quán khác.
Không chỉ vậy, các chuỗi burger còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ địa phương. Thống kê cho thấy trong năm 2018, có đến 430.000 trên tổng số 540.000 cửa hàng ăn uống ở Việt Nam thuộc sở hữu của người dân địa phương. Ẩm thực địa phương, ẩm thực đường phố có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Và họ cũng có nhiều lựa chọn rẻ hơn, truyền thống hơn so với các món hiện tại từ những thương hiệu nước ngoài.
Đó là về yếu tố khách quan. Về yếu tố chủ quan, các chuỗi burger có vẻ sai lầm khi áp dụng chiến lược giá ở phương Tây tại Việt Nam. Chẳng hạn với McDonald’s, một chiếc burger có giá khoảng 2,82 USD, đổi ra tiền Việt tầm 66.000 đồng. Mức giá này là hợp lý, là rẻ với các nước Phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, số tiền 66.000đ cho một chiếc bánh burger không thể gọi là rẻ. Đồng thời như đã nói ở trên, khách hàng Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn rẻ hơn, phù hợp khẩu vị hơn.
Đồng thời thực đơn các chuỗi burger không quá phù hợp với văn hóa địa phương. Với người Việt Nam, bữa ăn là nơi gia đình, bạn bè ngồi tụ họp cùng nhau. Do đó văn hóa ăn nhanh lại không phù hợp với giá trị mà các chuỗi burger đem lại.
“Thanh kiếm” của Shogun
Đó là những khó khăn mà một chuỗi burger sẽ đối diện ở Việt Nam. Tuy nhiên khi Shogun đã mạnh dạn bước chân vào thị trường này, thì bản thân họ cũng có những vũ khí riêng biệt.
Đầu tiên là về chất lượng đồ ăn. Tại Nhật, phần thịt trong burger được làm từ 100% thịt bò Nhật Bản, có phiên bản 100% từ thịt bò wagyu nổi tiếng. Phần vỏ bánh được làm từ lúa mạch và được nướng trực tiếp tại cửa hàng. Ngoài ra Shogun Burger còn có hương vị wasabi và nước sốt đặc trưng.
Thứ hai là văn hóa Nhật Bản. Shogun là một thương hiệu Nhật Bản, và mang đậm dấu ấn Nhật Bản. Đặc biệt phiên bản bánh burger với thanh kiếm samurai mini còn thể hiện rõ hơn nữa văn hóa của quốc gia này.
Thanh kiếm này được chế tác đúng theo nguyên mẫu kiếm của 2 samurai nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Tuy nhỏ nhưng kiếm được rèn theo quy trình chuẩn của kiếm samurai thật, đạt chất lượng của kiếm thật. Thanh kiếm này chính là một vũ khí cạnh tranh rất lợi hại của Shogun Burger. Rất nhiều người tới ăn chỉ để lấy thanh kiếm mang về, bất chấp giá tiền khá cao.
Với hai vũ khí này, có thể chinh phục được một tệp khách hàng nhất định. Đó là những người đòi hỏi chất lượng đồ ăn cao, hoặc những người cực kỳ yêu thích văn hóa Nhật Bản.
Tuy nhiên về chiến lược giá, nếu Shogun áp dụng mức giá như ở Nhật Bản, thì đó sẽ là rào cản rất lớn nếu họ ấp ủ dự định mở rộng thành chuỗi ở Việt Nam. Hãy đợi xem “thanh kiếm” samurai có “tung hoành” được ở thị trường Việt Nam hay không.